Nội dung chính
Với gần 15 năm là chuyên gia review điện thoại, thường xuyên sử dụng hàng chục thiết bị mỗi năm, Victor Hristov của trang Phone Arena chỉ ra những sai lầm mà chúng ta hay mắc phải khi mua smartphone để rồi cảm thấy hối hận. Dưới đây là chia sẻ của anh.
Sai lầm 1: Miễn cưỡng dùng điện thoại kích cỡ không phù hợp

Nhiều người nghĩ họ sẽ quen dần với việc sống với một chiếc điện thoại cỡ lớn. Xét cho cùng, điện thoại lớn thường có pin tốt, màn hình vượt trội và cũng có camera nhỉnh hơn một chút.
Vì vậy, tôi thấy nhiều người dù thích sử dụng điện thoại cỡ nhỏ nhưng vẫn cố gắng dùng mẫu máy to với suy nghĩ dùng lâu rồi sẽ quen.
Có người thích nghi nhanh nhưng rất nhiều người khác không làm được điều đó và hối hận khi lựa chọn sai lầm.
Vì vậy, đừng nghĩ rằng kích thước là một yếu tố không cần quá coi trọng khi mua điện thoại mới.
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự thoải mái và tiện lợi: một chiếc điện thoại nhỏ dễ dàng mang theo trong túi hơn và cũng không tạo cảm giác nặng nề.
Sai lầm 2: Tiết kiệm dung lượng lưu trữ
Thứ hai và là sai lầm lớn nhất theo tôi là mọi người coi thường dung lượng lưu trữ. Ở thời điểm năm 2025, mức tiêu chuẩn chúng ta có ở một chiếc điện thoại là dung lượng lưu trữ 128 GB.

Thoạt đầu có vẻ đủ, nhưng hãy tưởng tượng xem bạn sẽ chụp bao nhiêu ảnh và quay bao nhiêu video bằng chiếc điện thoại này trong hai hoặc ba năm nữa. Dung lượng lưu trữ sẽ đầy rất nhanh.
Vì vậy, thay vì liên tục lo lắng về việc phải xóa bớt bộ nhớ hoặc đăng ký dịch vụ đám mây, chỉ cần mua một chiếc điện thoại có ít nhất 256GB dung lượng lưu trữ. Một số người thậm chí muốn con số lớn hơn nữa nhưng tôi nghĩ rằng 256 GB sẽ ổn với hầu hết chúng ta.
Khi chọn đúng dung lượng, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều mà không cần phải tìm kiếm ổ SSD dự phòng hay nâng cấp gói iCloud.
Sai lầm 3: Chạy theo xu hướng
Sai lầm thứ ba là mọi người chạy theo xu hướng mới mà không thực sự chắc chắn rằng có thực sự cần nó hay không.
Với sự lên ngôi mới của điện thoại màn hình gập, liệu bạn có thực sự cần một chiếc như vậy?

Thiết bị dạng này vẫn hạn chế về độ bền hơn so với điện thoại thông thường và đừng quên rằng bạn phải mở chúng mỗi lần muốn sử dụng. Điều này có vẻ thú vị lúc đầu, nhưng sự hứng thú sẽ nhanh chóng mất đi.
Những mẫu điện thoại dạng gập cỡ lớn còn có vấn đề nữa là chúng cực kỳ đắt đỏ, gần 2.000 USD. Trớ trêu thay, các cuộc thăm dò cho thấy đa số mọi người vẫn sử dụng màn hình ngoài thay vì mở màn hình lớn bên trong.
Tôi không khuyên bạn là không nên mua điện thoại dạng này, tôi biết nhiều người thực sự hài lòng với chúng, nhưng vấn đề là họ biết mình muốn gì.
Sai lầm 4: Quá nghe theo nhân viên bán hàng
Sai lầm thứ tư là đưa ra quyết định ngay tại chỗ chỉ dựa trên lời khuyên của nhân viên bán hàng.

Có một số nhân viên bán hàng rất hiểu biết, nhưng bạn không nên quên rằng mục tiêu của họ là bán điện thoại cho bạn và đôi khi điều đó có nghĩa là họ có thể không tư vấn hoặc không đủ hiểu biết về ưu điểm và đặc biệt là nhược điểm của điện thoại như một người đánh giá dày dặn kinh nghiệm.
Sai lầm 5: Quá chú trọng vào một thương hiệu
Sai lầm thứ năm là mua thương hiệu chứ không phải mua nhu cầu.
Cách tốt nhất để giải thích điều này là đưa ra ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang tìm mua một chiếc điện thoại không quá đắt và có ý định dùng để ghi hình cho các hoạt động.

Nếu chỉ chăm chăm vào iPhone, bạn có thể bị cám dỗ mua chiếc iPhone 16e giá cả phải chăng. Nhưng nếu không nhìn xa ngoài thương hiệu khác, bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng 16e không hỗ trợ video chế độ Hành động. Vì vậy, tất cả các cảnh quay mong muốn của bạn sẽ không được ổn định và bạn sẽ hối hận vì đã mua điện thoại này.
Tóm lại, thay vì tập trung vào thương hiệu, hãy cân nhắc xem có trường hợp sử dụng cụ thể nào thực sự quan trọng với mình hay không và nghiên cứu để đảm bảo rằng điện thoại định mua có thể đáp ứng điều đó.
Còn với tôi, sai lầm mà bản thân mắc phải có lẽ là cố gắng sống chung với chiếc điện thoại lớn hơn mình mong muốn.
Đọc bài gốc tại đây.