


Đã được hai tháng kể từ khi Bybit phải đối mặt với cuộc tấn công mạng gây thiệt hại lên đến hàng tỷ USD, ông có thể chia sẻ một chút tình hình của công ty hiện tại?
Tính đến hiện tại, chúng tôi đã hoàn toàn phục hồi về khối lượng giao dịch, lãi mở, tài sản quản lý của khách hàng. Tổng thể, chúng tôi đã phục hồi, chỉ trải qua một giai đoạn giảm trong khoảng hai tuần, nhưng giờ chúng tôi đã hoàn toàn trở lại vị trí thứ hai trên thế giới, sau Binance.
Sau cuộc tấn công mạng lịch sử, bản thân ông có rút ra được bài học nào không?
Đầu tiên, tôi nghĩ mọi người bắt đầu nhận ra rằng vụ hack không xảy ra trên Bybit, cơ sở hạ tầng của chúng tôi chưa bao giờ bị hack. Một trong những bài học lớn nhất mà tôi rút ra được đó là chúng tôi không nên sử dụng và phụ thuộc vào bên thứ ba cho ví lạnh (cold wallet). Bây giờ, chúng tôi đang chuyển tất cả các giải pháp lưu trữ mã sang nội bộ.
Điều thứ hai đó là chúng tôi cần có nhiều cải tiến nội bộ trong cách xử lý quỹ như cập nhật thường xuyên số dư ví nhằm đảm bảo rằng số dư trong mỗi ví không được quá lớn.
Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra an ninh hai vòng rất kỹ lưỡng. Thực tế, công ty thực hiện kiểm tra an ninh cho chúng tôi trong vụ hack vừa qua là một công ty Việt Nam tên là Verichains. Họ rất giỏi, rất chuyên nghiệp, rất tận tâm, rất nhanh. Công ty sẽ đưa ra một báo cáo đầy đủ về ví nóng, ví lạnh của Bybit định kỳ để mọi người trên thế giới cảm thấy rất an toàn.

Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình hợp tác với Verichains một đội ngũ Việt Nam để điều tra vụ hack không?
Tôi rất ngạc nhiên khi gặp Verichains. Họ không chỉ giỏi, tôi nghĩ họ thuộc hàng đẳng cấp thế giới (World class). Theo ý kiến của chúng tôi, họ có lẽ nằm trong top 3.
Thời điểm nhận được thông tin Bybit trở thành nạn nhân của vụ hack tiền mã hóa lớn nhất lịch sử, chúng tôi đã ngay lập tức làm việc với 3 công ty bảo mật khác nhau: Mandiant – Một công ty Mỹ thuộc Google; Sygnia Labs của Isareal và Verichains của Việt Nam. Sau khi xem xét hệ thống, kiểm tra mọi thứ, Verichains là công ty gửi cho Bybit báo cáo và kết luận điều tra vụ hack sớm nhất. Tôi khá ngạc nhiên với khả năng của Việt Nam, vì trước đó, như những gì tôi ấn tượng, Việt Nam chưa thật sự nổi tiếng về an ninh trong lĩnh vực tiền mã hóa.
Và kể từ lúc đó, chúng tôi đã chọn Verichains làm đối tác an ninh lâu dài duy nhất. Bản thân tôi cũng trở thành bạn tốt với Founder Verichains (ông Nguyễn Lê Thành – PV) vì tầm nhìn cũng như sự hiểu biết của anh ấy thực sự rất rộng. Thậm chí, tôi đã nói chuyện với anh Thành rất nhiều để xin tư vấn và gợi ý. Đồng thời, sau một vài lần nói chuyện, anh Thành có giới thiệu với tôi rằng anh có trụ sở công ty ở Việt Nam.
Liệu đây có phải là một trong những lý do cho chuyến thăm Việt Nam của ông lần này?
Đúng vậy (cười). Anh Thành đã ‘khoe’ với tôi rằng cộng đồng của anh ở Việt Nam phát triển rất tốt. Tôi cũng sẽ ghé thăm trong chuyến đi này.
Tuy nhiên, lý do chính tôi đến Việt Nam lần này đó là muốn tìm hiểu sâu hơn về thị trường Việt Nam. Nhất là khi mới đây Việt Nam công bố sẽ nghiên cứu xây dựng khung pháp lý mới cho sàn giao dịch tài sản mã hóa.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của tài sản số tại Việt Nam so với các nước khác ở Đông Nam Á?
Nếu xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không phải là nước đi đầu trong lĩnh vực này. Indonesia, Thái Lan đã áp dụng nhanh hơn. Singapore cũng đã có khung pháp lý từ lâu. Trước đây, Singapore được xem là một trong những nơi chấp nhận tiền mã hóa mạnh mẽ nhất và giờ chúng ta có thêm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, tất cả đều đang đón nhận tiền mã hóa, họ có khung cấp phép.
Tuy nhiên, không phải vì Việt Nam bắt đầu sau lại không có lợi thế. Có một điều thú vị là rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã sử dụng tiền mã hóa từ nhiều năm nay. Nhìn từ một sàn giao dịch như Bybit, chúng tôi thấy có rất nhiều người trẻ đang nắm giữ tài sản mã hóa. Tôi cho rằng đây là một dấu hiệu cực kỳ tốt cũng như là thời điểm phù hợp để Việt Nam bắt đầu xây dựng khung pháp lý về tài sản mã hóa.

Dựa trên kinh nghiệm của ông, những yếu tố then chốt nào quyết định sự thành công của một sáng kiến như sàn giao dịch tài sản số?
Nếu xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không phải là nước đi đầu trong lĩnh vực này. Indonesia, Thái Lan đã áp dụng nhanh hơn. Singapore cũng đã có khung pháp lý từ lâu. Trước đây, Singapore được xem là một trong những nơi chấp nhận tiền mã hóa mạnh mẽ nhất và giờ chúng ta có thêm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, tất cả đều đang đón nhận tiền mã hóa, họ có khung cấp phép.
Tuy nhiên, không phải vì Việt Nam bắt đầu sau lại không có lợi thế. Có một điều thú vị là rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã sử dụng tiền mã hóa từ nhiều năm nay. Nhìn từ một sàn giao dịch như Bybit, chúng tôi thấy có rất nhiều người trẻ đang nắm giữ tài sản mã hóa. Tôi cho rằng đây là một dấu hiệu cực kỳ tốt cũng như là thời điểm phù hợp để Việt Nam bắt đầu xây dựng khung pháp lý về tài sản mã hóa.
Tôi nghĩ để vận hành thành công một sàn giao dịch, đặc biệt là sàn giao dịch được cấp phép và quản lý, chúng ta phải hoàn toàn tuân thủ quy định. Việc xây dựng từ con số không là một bài toán khó. Chúng ta cần có một đội ngũ nhân lực đủ mạnh mạnh để xây dựng sàn giao dịch, viết mã. Đồng thời, tính bảo mật và an toàn của và cơ sở hạ tầng của ví phải đảm bảo 100%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng sàn giao dịch cần có những người biết cách vận hành sàn, quản lý sản phẩm và thanh khoản. Tôi nghĩ tất cả những điều này đều rất quan trọng.
Như ông vừa đề cập, để xây dựng một sàn giao dịch tài sản mã hóa, nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng. Vậy ông đánh giá thế nào về nguồn nhân lực tại Việt Nam?
Nếu để đánh giá về nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này, đối với tôi, Verichains là một trong những ví dụ điển hình. Tôi biết Việt Nam có nguồn nhân tài phát triển rất tốt. Một số bạn bè, đồng nghiệp người Singapore mà tôi biết cũng nói với tôi rằng tất cả nhân sự của họ đều ở Việt Nam.
Chưa kể, nếu so với những lĩnh vực khác, lĩnh vực này ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ, đồng nghĩa đây là một cơ hội rất tốt để nhiều người có thể tham gia vào ngành này.

Vậy Bybit có thể đóng góp vai trò gì trong chiến lược phát triển này của Việt Nam?
Với tư cách là một sàn giao dịch toàn cầu, chúng tôi mong muốn cùng Việt Nam phát triển lĩnh vực này. Có thể chúng tôi sẽ thành lập một liên doanh và hỗ trợ các ngân hàng, cung cấp cho họ cơ sở hạ tầng sàn giao dịch, thanh khoản, kinh nghiệm và bí quyết vận hành sàn giao dịch. Điều này phụ thuộc vào loại thỏa thuận mà chúng tôi đạt được. Nếu Chính phủ Việt Nam cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chúng tôi, chúng tôi chắc chắn cũng có thể giúp.
Quy tắc của chúng tôi là bất cứ nơi nào có khung pháp lý, chúng tôi cố gắng nộp đơn và tuân thủ ở thị trường đó. Đối với Bybit, hiện chúng tôi đang nộp đơn xin giấy phép mới ở châu Âu, và chúng tôi sẽ sớm hoàn thành.
Chúng tôi có giấy phép ở UAE, Hà Lan, Georgia, Kazakhstan, Lithuania, và chúng tôi cũng đang nộp đơn ở Singapore và Hồng Kông. Gần đây, chúng tôi đã nhận được giấy phép ở Thái Lan và đang xin ở Malaysia.
Hoạt động ở nhiều thị trường như vậy, theo ông, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ những nền kinh tế nào để xây dựng khung pháp lý thành công?
Điều này phụ thuộc vào cách Việt Nam muốn xây dựng khung pháp lý như thế nào. Chúng tôi đã thấy nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với ngành công nghiệp này. Ví dụ, có những quốc gia xây dựng khung pháp lý vì họ xem ngành này là rủi ro như lừa đảo KYC, tiền bị rút ra ngoài. Và phải đến 60-70% các quốc gia đều nhìn nhận tiền mã hóa theo cách này.
Trong khi đó, những nền kinh tế khác như UAE, Hồng Kông đang trở thành những nơi muốn chủ động phát triển ngành công nghiệp này. Họ mời các nhà lãnh đạo công ty trong ngành và hỗ trợ các công ty phát triển, ví dụ, kết nối với các ngân hàng, đảm bảo mọi thứ được kết nối.
Tôi nghĩ UAE hiện là quốc gia tích cực nhất. Chúng ta cũng có Singapore và Hồng Kông cũng là những ví dụ đáng để học hỏi. Tôi nghĩ ba nền kinh tế này là những khu vực dẫn đầu trong lĩnh vực này mà Việt Nam có thể học hỏi.

Có một vấn đề là người dùng Việt Nam thông thường vẫn còn thiếu hiểu biết về tiền mã hóa và dễ bị lôi kéo vào các dự án lừa đảo. Ông đánh giá thế nào về mức độ trưởng thành của nhà đầu tư Việt Nam?
Từ góc độ của chúng tôi, kiến thức của người dùng Việt Nam thực sự khá tiến bộ, ít nhất là những người sử dụng Bybit. Họ biết mình đang làm gì. Họ thích các token mới được niêm yết và những thứ tương tự. Có thể một số người dùng khác đến các sàn giao dịch nhỏ hơn và bị lừa, nhưng điều đó xảy ra thường xuyên.
Vấn đề về lừa đảo không chỉ xảy ra với tiền mã hóa, mà cả ở thị trường truyền thống, được quản lý chặt chẽ như ngân hàng. Vì vậy, tôi nghĩ quy tắc là như nhau, và từ góc độ sàn giao dịch, chúng tôi luôn cố gắng tránh các token lừa đảo ở mức tối đa.

Tiền mã hóa, tài sản số từng được xem là “miền Tây hoang dã”, nhưng ngày càng có xu hướng bị quản lý chặt chẽ. Ông đánh giá thế nào về việc này – đó sẽ là rào cản hay động lực cho ngành này?
Thực tế, điều này là một tín hiệu rất tốt. Chúng tôi đã thấy ở hầu hết các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang được quản lý, Việt Nam cũng đã có những tín hiệu nghiên cứu xây dựng khung pháp lý. Điều đó có nghĩa là mọi người đang đi theo con đường quản lý thay vì cấm đoán. Nghĩa là ngành công nghiệp này đang dần được mọi người chấp nhận, trở nên hợp pháp. Mọi người có thể tiếp cận tài sản mã hóa dễ dàng hơn và việc áp dụng rộng rãi sẽ tăng lên. Vì vậy, đây là một tín hiệu rất tích cực cho ngành.
Như ông biết, bối cảnh kinh tế toàn cầu đang vô cùng bất định. Thị trường tiền mã hóa gần đây cũng không ổn định. Ông dự đoán thị trường năm 2025 như thế nào?
Trước tiên, không chỉ thị trường tiền mã hóa. Tất cả mọi thứ đều rất ‘crazy’, từ thị trường chứng khoán cho đến vàng. Bitcoin cũng biến động một cách không tưởng. Song, bản thân tôi tương đối lạc quan về bức tranh kinh tế vĩ mô tổng thể. Đặc biệt, trong bốn năm tới, khi Tổng thống Trump luôn công khai ủng hộ tiền mã hóa, bạn có thể sẽ thấy các công ty đang tham gia vào lĩnh vực này nhiều hơn. Thậm chí, chúng tôi cũng đang cân nhắc chuyển sang Mỹ, và châu Âu. Và giờ là Việt Nam. Vì vậy, đó là xu hướng rất tốt, thực sự tốt.
Thiết kế: Hải An
Đọc bài gốc tại đây.