Trang chủ Thời sựĐô thị Thành phố đảo ở Việt Nam rộng ngang với Singapore rót 300.000 tỷ đồng đón sự kiện lớn bậc nhất hành tinh

Thành phố đảo ở Việt Nam rộng ngang với Singapore rót 300.000 tỷ đồng đón sự kiện lớn bậc nhất hành tinh

bởi Admin
0 Lượt xem

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 427/QĐ-BXD Phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Theo quy hoạch được Bộ Xây dựng phê duyệt, giai đoạn 2021-2030, sân bay này được quy hoạch cấp sân bay 4E với công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và 25 nghìn tấn hàng hóa/năm. Việc nâng cấp này không chỉ giúp sân bay Phú Quốc khai thác các loại máy bay lớn như Boeing B747, B787, Airbus A350 mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện quốc tế, như Tuần lễ Cấp cao APEC 2027.

Về hệ thống đường cất hạ cánh sẽ quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về hai phía đạt kích thước 3.500 m x 45 m; quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3.300 m x 45 m, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 360 m, kích thước lề vật liệu theo quy định.

Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam quyết tâm đầu tư “khủng”, đón nhiều nguyên thủ quốc gia, hàng nghìn quan chức cao cấp - Ảnh 1.

Sân bay Phú Quốc được thiết kế với công suất 4 triệu lượt khách/năm nhưng năm 2024 đã đón hơn 4,1 triệu lượt – Ảnh: Báo Xây dựng

Ở giai đoạn này sẽ quy hoạch kéo dài đường lăn song song hiện hữu về hai phía để đồng bộ với đường cất hạ cánh; quy hoạch đường lăn song song nằm giữa 02 đường cất hạ cánh, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 180 m; quy hoạch hệ thống đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh đồng bộ để kết nối giữa đường lăn song song với đường cất hạ cánh, sân đỗ; kích thước lề vật liệu theo quy định.

Đối với sân đỗ máy bay, quy hoạch sân đỗ trước nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ hiện hữu đáp ứng khoảng 30 vị trí đỗ máy bay, có khả năng mở rộng tại khu đất dự trữ phát triển sân đỗ; quy hoạch sân đỗ tàu bay khu vực nhà khách VIP/hàng không chung để bảo đảm khai thác đồng bộ.

Đến năm 2050, công suất sân bay dự kiến đạt 18 triệu hành khách và 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Nhà ga hành khách T2 với công suất 6 triệu hành khách/năm sẽ được xây dựng, cùng với nhà khách VIP phục vụ các đoàn nguyên thủ quốc gia.

Việc nâng cấp sân bay Phú Quốc không chỉ giải quyết tình trạng quá tải mà còn tạo bước đệm chiến lược để thành phố đảo duy nhất của Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ hàng không và du lịch khu vực. Hạ tầng hàng không chính là “mạch máu” kết nối Phú Quốc với các trung tâm du lịch lớn trong khu vực và thế giới. Khi cánh cửa bầu trời được mở rộng, dòng khách quốc tế sẽ dễ dàng tiếp cận hơn, từ đó giúp ngành du lịch – trụ cột chính của kinh tế Phú Quốc – tăng trưởng đột phá.

Song hành với du lịch, sự phát triển của sân bay sẽ thúc đẩy các lĩnh vực liên quan như thương mại, logistics, bất động sản nghỉ dưỡng, dịch vụ… Việc tăng cường kết nối cũng giúp thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm việc làm và cơ hội phát triển cho người dân địa phương. Cơ sở hạ tầng hiện đại cũng là điều kiện tiên quyết để Phú Quốc đăng cai các sự kiện quốc tế lớn, như APEC 2027 – một dịp để thành phố đảo giới thiệu mình với thế giới.

 300.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng Phú Quốc trước thềm APEC 2027

Năm 2024, du lịch Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng đã phục hồi ấn tượng, với 17,5 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa. Riêng Phú Quốc đón hơn 5,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng hơn 73%, doanh thu đạt trên 21.000 tỷ đồng (chiếm hơn 84% tổng thu từ du lịch của tỉnh Kiên Giang).

Tuy nhiên, thị trường du lịch Phú Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như chi phí đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động chất lượng, vướng mắc pháp lý kéo dài và chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án nghỉ dưỡng.

Tại một buổi hội thảo do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với UBND TP Phú Quốc tổ chức chiều ngày 18/4, ông Trần Minh Khoa – Chủ tịch UBNDTP. Phú Quốc cho biết, thành phố xác định hạ tầng đô thị và du lịch là hai trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững.

Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam quyết tâm đầu tư “khủng”, đón nhiều nguyên thủ quốc gia, hàng nghìn quan chức cao cấp - Ảnh 2.

Phối cảnh Khu tổ hợp đa chức năng, nơi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tại Phú Quốc – Ảnh: NLĐ

Tới đây địa phương tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị, du lịch làm cơ sở đẩy mạnh thị trường bất động sản trên đảo.

“Hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đang được triển khai phục vụ APEC 2027 ở Phú Quốc với tổng số vốn lên đến hơn 300.000 tỷ đồng. Sự kiện này là một trong những yếu tố tiềm năng tác động đến thị trường bất động sản giúp Phú Quốc hồi sinh, bước vào chu kỳ phát triển mới”, ông Khoa nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, APEC 2027 là thời cơ lịch sử, sẽ tạo động lực đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch – kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, đồng thời cũng là thách thức, áp lực lớn đối với địa phương này.

Phát buổi tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng thời gian chỉ còn khoảng 19-29 tháng để thực hiện khoảng 30 dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng để phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027, đây là một thách thức cực lớn. 

Theo ông, ngay từ thời điểm này, Phú Quốc cần khẩn trương, thậm chí phải chạy đua điều chỉnh quy hoạch, mở rộng sân bay, chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng giao thông để đón APEC 2027, song song với việc tăng tốc triển khai kế hoạch hành động, đầu tư thực hiện các dự án xây dựng các công trình phục vụ APEC.

Phía TP Phú Quốc cũng cho biết, địa phương đang xây dựng đề án đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2025. APEC 2027 được kỳ vọng là cú hích để Phú Quốc bứt phá và trở thành biểu tượng mới của du lịch Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Hội nghị Cấp cao APEC là một trong những sự kiện đa phương quan trọng nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, quy tụ lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ như Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Canada, Tổng thống Nga, cùng nhiều nhà lãnh đạo khác. Ngoài ra, hội nghị còn thu hút hàng nghìn quan chức cấp cao, bộ trưởng, doanh nhân và lãnh đạo các tập đoàn lớn toàn cầu.

Phú Quốc – thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam có diện tích tự nhiên 589,27km2, rộng gần bằng Singapore (khoảng 734,3 km2), đã được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2027. Đây cũng là lần thứ 3 Việt Nam đề xuất đăng cai tổ chức APEC sau APEC 2006 ở Hà Nội và APEC 2017 ở Đà Nẵng.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan