Trang chủ Kinh doanhKinh tế quốc tế EU cân nhắc cho phép doanh nghiệp châu Âu phá vỡ hợp đồng khí đốt với Nga mà không phải trả tiền phạt cho Moscow

EU cân nhắc cho phép doanh nghiệp châu Âu phá vỡ hợp đồng khí đốt với Nga mà không phải trả tiền phạt cho Moscow

bởi Admin
0 Lượt xem

Theo đó, EC xem xét khả năng cho phép các doanh nghiệp tuyên bố tình trạng bất khả kháng, giúp họ không phải trả phí phạt khi chấm dứt hợp đồng.

Ý tưởng này được cho là một phần trong kế hoạch của EU nhằm chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga từ năm 2027. Kế hoạch dự kiến được công bố ngày 6/5 sau vài lẫn trì hoãn.

Người phát ngôn của EC từ chối bình luận về thông tin trên.

Tại cuộc họp báo vào tháng 3, Chủ tịch ủy ban EC, Ursula von der Leyen cam kết EU sẽ loại bỏ dần khí đốt của Nga và nói rằng đó là “điều bắt buộc hoàn toàn”.

Theo số liệu thống kê của EU, khối này nhập khẩu gần 52 tỷ mét khối khí đốt của Nga năm 2024, bằng 1/3 so với 150 tỷ mét khối vào năm 2021. Tuy nhiên, năm ngoái, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà EU nhập khẩu từ Nga đạt mức cao kỷ lục và lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã tăng 18%, theo nhóm nghiên cứu năng lượng Ember.

Nhập khẩu khí đốt qua đường ống vẫn tiếp tục dù Ukraine đã dừng thỏa thuận trung chuyển từ tháng 1. Tháng 2, EU nhận được 56 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày qua đường ống TurkStream, tăng 11% so với tháng trước đó.

Những con số này có thể đe dọa lộ trình loại bỏ khí đốt Nga vào năm 2027 của EU, Ember nhận định.

Bất chấp kế hoạch của EU, nhiều công ty năng lượng đang công khai nói về việc nối lại hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga.

“Nếu có một nền hòa bình hợp lý ở Ukraine, chúng ta có thể quay trở lại với dòng chảy 60 – 70 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, bao gồm cả LNG”, Didier Holleaux, CEO Engie (Pháp), nói với Reuters. Chính phủ Pháp sở hữu một phần Engie, công ty từng là một trong những bên mua khí đốt lớn nhất của Gazprom (Nga).

Tại Đức, các doanh nghiệp cũng được cho là quan tâm đến việc tái khởi động nhập khẩu khí đốt Nga. “Mở lại đường ống sẽ giúp giảm giá năng lượng nhiều hơn bất kỳ chương trình hỗ trợ nào hiện nay”, Christof Guenther, CEO của công viên hóa chất InfraLeuna, nói với Reuters.

Tham khảo: FT

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan