Nội dung chính
Houthi đã tấn công các tàu thuyền quốc tế kể từ tháng 11/2023, để đáp trả cuộc chiến của Israel chống lại các chiến binh Hamas do Iran hậu thuẫn ở Dải Gaza, sau cuộc tấn công ngày 7/10 nhằm vào Israel. Kể từ đó, Houthi đã liên tục thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào hoạt động vận chuyển toàn cầu ở cả Biển Đỏ và eo biển Bab el-Mandeb.
Chính quyền Tổng thống Trump đã có những hành động quyết liệt chống lại phiến quân Houthi ở Yemen, bao gồm một cuộc không kích kéo dài nhiều ngày nhằm vào các mục tiêu chiến lược nằm trong lãnh thổ của nhóm này.

Vũ khí tấn công tầm xa chung AGM-154 (JSOW)
Tên lửa AGM chủ yếu được thiết kế cho các cuộc tấn công không đối đất, là loại vũ khí có chi phí thấp, độ chính xác cao có thể được phóng từ khoảng cách an toàn. Tính năng này đặc biệt quan trọng, vì Houthis đã dựng lên các hệ thống phòng không mở rộng để bảo vệ lãnh thổ của họ.
AGM-154 có ba biến thể khác nhau. Một biến thể được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh và xuyên giáp được gọi là AGM-154A. Biến thể được dùng cho mục đích chống thiết giáp được gọi là AGM-154B. Và biến thể còn lại, AGM-154C, sử dụng đầu đạn đơn nhất 230 kg để phá boongke hoặc các mục tiêu có giá trị cao.
AGM-154 sử dụng GPS và dẫn đường quán tính (INS) để bay đến mục tiêu. Tầm bắn thay đổi tùy theo độ cao thả tên lửa, nhưng thường dao động trong khoảng từ 38 km đến 110 km. Thiết kế tàng hình và tiết diện radar nhỏ khiến nó khó bị phát hiện, vì vậy mà Houthi dường như không có khả năng phòng thủ trước các vũ khí như AGM-154.

Tên lửa tấn công mặt đất AGM-84H (SLAM-ER)
Là loại tên lửa hành trình dẫn đường chính xác phóng từ trên không do Boeing phát triển cho Hải quân Mỹ và các lực lượng đồng minh, AGM-84H phát triển từ tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon trước đó. AGM-84H được thiết kế để tấn công tầm xa, trong mọi điều kiện thời tiết vào các mục tiêu trên bộ và trên biển có giá trị cao, với tầm bắn, độ chính xác và tính linh hoạt được cải thiện so với các phiên bản trước.
Hệ thống này có tầm bắn gần 300 km và có thể được phóng từ khoảng cách an toàn để giữ máy bay tấn công ngoài phạm vi phòng không của đối phương. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS giữa chuyến bay và khi gần đến mục tiêu thì dẫn đường bằng đầu dò hồng ngoại hình ảnh (IIR). Hệ thống kép này đảm bảo độ chính xác tuyệt đối, ngay cả trong thời tiết xấu hoặc chống lại các mục tiêu ngụy trang. Đầu đạn nổ phân mảnh vỏ titan nặng 230 kg, được thiết kế để xuyên thủng và gây sát thương đối với các mục tiêu kiên cố như boongke, tàu hoặc cơ sở hạ tầng.
Đường truyền dữ liệu hai chiều cho phép người vận hành có thể chuyển hướng tên lửa giữa chuyến bay, điều chỉnh điểm ngắm hoặc chuyển mục tiêu. Tên lửa cũng hỗ trợ chế độ “bắn và quên” với khả năng nhận dạng mục tiêu tự động để tấn công hoàn toàn tự động.
Sau khi phóng, SLAM-ER bay với tốc độ dưới âm thanh bằng động cơ phản lực Teledyne J402. Nó có cánh được thiết kế có tính khí động học và tầm bay tốt hơn. Đường bay ở độ cao thấp và thiết kế tàng hình của AGM-84H cũng làm giảm khả năng bị phát hiện.

Đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM)
JDAM chỉ là một bộ dẫn đường do Mỹ phát triển để chuyển đổi một quả bom không dẫn đường hoặc “ngu ngốc” thành một loại đạn dược dẫn đường chính xác. JDAM tương đối rẻ và có một hệ thống mô-đun được bắt vít vào các quả bom, cung cấp cho chúng khả năng dẫn đường bằng GPS và INS để tấn công chính xác từ khoảng cách an toàn.
JDAM rất phổ biến trong Quân đội Mỹ và đồng minh kể từ khi chúng được trình làng vào cuối những năm 1990. Các thành phần của hệ thống này bao gồm một máy thu GPS, INS, các cánh lái và các thanh dọc theo thân bom để tăng thêm lực nâng và độ ổn định.
Một JDAM có thể mang bom Mk 84 nặng 900 kg. GPS/INS cho phép hệ thống này điều hướng đến các tọa độ được lập trình sẵn. Hệ thống này cũng có chế độ “bắn và quên”, điều chỉnh đường bay giữa không trung để đánh trúng trong phạm vi với sai số chỉ khoảng 5 m. Được thả từ độ cao 14.000 m từ trên không, JDAM có thể lướt tới mục tiêu ở khoảng cách 27-37 km.

Tên lửa hành trình Tomahawk
Là hệ thống tên lửa mang tính biểu tượng của Mỹ, Tomahawk có thể hoạt động trong mọi thời tiết, chủ yếu dùng để tấn công chính xác vào các mục tiêu trên bộ và trên biển. Tomahawk được Raytheon chế tạo và đã trở thành vũ khí quan trọng của Hải quân Mỹ kể từ những năm 1980.
Có nhiều biến thể Tomahawk, nhưng tầm bắn của vũ khí thay đổi từ 1.300 km đến 2.500 km tùy thuộc vào biến thể. Tên lửa đạt tốc độ khoảng 885 km một giờ, nhờ động cơ phản lực cánh quạt Williams F107.
Tên lửa không chỉ sở hữu GPS và INS để duy trì đường bay trên những khoảng cách xa mà còn sử dụng hệ thống So sánh đường đồng mức địa hình (TERCOM) cho các chuyến bay ở độ cao thấp. TERCOM sử dụng phép đo độ cao bằng radar để so sánh mặt đất bên dưới với bản đồ được tải sẵn.
Tomahawk thường sử dụng đầu đạn nặng 450 kg (WDU-36/B) là vũ khí hủy diệt chính, ngoài ra còn có các phiên bản hạt nhân cũ hơn (TLAM-N) vẫn tồn tại. Mặc dù Tomahawk đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng với độ tin cậy cao và thực tế chiến đấu hiệu quả, nên nó vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có ý định tấn công Houthi. Khi điều này xảy ra, Israel đang mở lại mặt trận phía nam của họ chống lại Hamas ở Dải Gaza. Hơn nữa, có nhiều lời bàn tán rằng, có thể với sự hỗ trợ của Mỹ, Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở vũ khí hạt nhân của Iran, điều này có thể khiến những động thái chống lại Houthi và Hamas chỉ là màn dạo đầu cho các cuộc tấn công rộng lớn hơn vào Iran sắp tới.
(Theo National Interest)
Đọc bài gốc tại đây.