Đó là Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Bản Giốc – Đức Thiên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm nhà nước đến Việt Nam ngày 14 – 15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường.
Trước chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài viết đăng trên báo Nhân Dân, với tiêu đề “Cùng chung chí hướng, chung tay tiến lên phía trước – Kế thừa quá khứ, viết tiếp trang mới tương lai”.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến dự Liên hoan giao lưu hữu nghị nhân dân Việt Nam – Trung Quốc, sáng 15/4. Ảnh: VGP
Mở đầu bài viết, ông Tập Cận Bình viết: “Đây là lần thứ tư tôi đặt chân lên mảnh đất tươi đẹp này từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Trung Quốc, tôi mong cùng với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam chia sẻ tình hữu nghị, cùng bàn bạc hợp tác, đưa ra tầm nhìn mới cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược trong thời đại mới”.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhắc tới giao lưu nhân văn Trung – Việt ngày càng mật thiết. Minh chứng là trong năm 2024, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch đạt hơn 3,7 triệu lượt người; Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Bản Giốc – Đức Thiên chính thức vận hành; nhiều tuyến du lịch ô tô tự lái xuyên biên giới được khai thông, giúp hoạt động “du lịch hai nước trong một ngày” trở thành hiện thực.
Trong đó, Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Bản Giốc – Đức Thiên dù mới vận hành trong 6 tháng (từ 15/10/2024) nhưng đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt.
Biểu tượng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc

Vẻ đẹp như tiên cảnh của Khu cảnh quan thác Bản Giốc – Đức Thiên. Ảnh: CB
Theo thông tin của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), với diện tích 400 ha bao gồm 200 ha lãnh thổ của Việt Nam và 200 ha lãnh thổ Trung Quốc, được hai bên ký thỏa thuận hợp tác cùng bảo vệ, hợp tác khai thác có hiệu quả tài nguyên. Việc đưa vào vận hành khu cảnh quan này có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu hữu nghị khu vực biên giới, đặc biệt là phát triển du lịch.
Trong ngày 9/4 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường cho biết, để địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc, tỉnh mong muốn các bộ, ngành Trung ương có sự trao đổi, định hướng, hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện Hiệp định trên cơ sở đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái, cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời phối hợp cùng tỉnh nghiên cứu triển khai các giải pháp đột phá, không theo lối mòn, tư duy cũ, có cơ chế đặc thù đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên đầu tư tư nhân để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: BCB
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cơ bản nhất trí với các đề xuất của tỉnh, và khẳng định đây là cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc. Thứ trưởng đề nghị các cấp, ngành, địa phương trước tiên cần tận dụng và nắm bắt thời cơ. Thứ hai, nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác quản lý một cách bài bản, hệ thống. Thứ ba, cần có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Cuối cùng, tăng cường đầu tư và hợp tác quốc tế để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đặc sắc phục vụ du lịch.
Thứ trưởng kỳ vọng Cao Bằng sẽ tiếp tục xây dựng, vận hành khu cảnh quan thác Bản Giốc trở thành một điểm sáng đột phá về hợp tác du lịch biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Việc vận hành chính thức thác Bản Giốc – Đức Thiên được thực hiện sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13/10/2024, khi Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam.

Thác Bản Giốc nhìn từ trên cao. Ảnh: NTT
Theo thông tin công bố tại thời điểm bắt đầu vận hành chính thức (ngày 15/10/2024), khu cảnh quan mỗi ngày dự kiến tiếp nhận tối đa 1.000 lượt khách, 20 người mỗi đoàn. Lộ trình du lịch qua biên giới cũng được thiết kế bao gồm các điểm tham quan chính tại cả Việt Nam và Trung Quốc.
Ở phía Việt Nam, du khách sẽ tham quan từ khu vực chân thác Bản Giốc, đi qua khách sạn Sài Gòn và chùa Phật Tích Trúc Lâm trước khi quay lại lối kiểm tra để trở về Trung Quốc.
Trong khi đó, ở phía Trung Quốc, du khách sẽ ghé thăm thác Đức Thiên, phố mua sắm, điểm ngắm thác trên cao, các sân ngắm cảnh, trước khi quay về Việt Nam.
Tỉnh Cao Bằng cho biết, thủ tục thông quan được lực lượng xuất nhập cảnh, hải quan và kiểm dịch phối hợp thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hai bên tham quan và trải nghiệm.
Trước đó, vào tháng 9/2023, TTXVN dẫn lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy phát biểu tại Lễ vận hành thí điểm như sau, mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Đây là Khu cảnh quan du lịch qua biên giới đầu tiên của Việt Nam và Trung Quốc.
Đọc bài gốc tại đây.