Kể từ Thế chiến II, quân đội đã sử dụng xe tăng “giả” để đánh lừa kẻ thù theo nhiều cách và công nghệ đánh lừa này ngày càng trở nên tiên tiến hơn. Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine được đánh giá là cuộc giao tranh của vũ khí bọc thép dữ dội nhất kể từ Thế chiến II.
Cuộc xung đột này đáng chú ý vì có sự tham gia của một số xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) xuất sắc nhất đang được sử dụng hiện nay, bao gồm T-90M Proryv của Nga, Leopard 2 của Đức, Challenger 2 của Anh và đáng chú ý nhất là M1 Abrams do Mỹ sản xuất.

Ngay cả khi công nghệ xe tăng đã được cải thiện đáng kể, thì vũ khí và phương pháp chống lại những con quái vật bọc thép cũng vậy. Các bệ phóng tên lửa chống tăng, bao gồm AT4, MLAW và FGM-148 Javelin, được cho là đã phá hủy hàng trăm xe tăng của Nga trong những tháng đầu của cuộc xung đột.
Ngược lại, cả Quân đội Ukraine và Nga đều sử dụng hệ thống máy bay không người lái (UAS) và vũ khí tự hành hoặc máy bay không người lái cảm tử để chống lại MBT của đối phương.
Điều đó dẫn đến những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng bảo vệ cho phương tiện bọc thép như, bổ sung thêm giáp phản ứng nổ (ERA), máy gây nhiễu vô tuyến và thậm chí là các giải pháp tạm thời như lồng và lưới chống UAV. Tuy nhiên, cả hai bên cũng đã sử dụng những chiến thuật cũ như sử dụng các mục tiêu giả để đánh lừa đối phương.

Thiết bị mồi nhử
Cộng tác viên của Forbes, Vikram Mittal, đưa tin rằng Moskva và Kiev đã “triển khai ngày càng nhiều xe tăng ngụy trang tiên tiến”. Đây không phải là lần đầu tiên mồi nhử được sử dụng trong chiến trường, vì Ukraine đã được cung cấp “vũ khí giả có thể bơm hơi” từ công ty Inflatech có trụ sở tại Séc hơn hai năm trước. Công ty này đã sản xuất một phiên bản mồi nhử của T-72 MBT và thậm chí là những chiếc M148 HIMARS do Mỹ sản xuất, một nền tảng vũ khí được coi là “mục tiêu có giá trị cao”.
Ban đầu các phương tiện bơm hơi được phát triển để huấn luyện, không phải để đánh lừa, nhưng chúng nhanh chóng chứng minh được hiệu quả trong việc đánh lừa kẻ thù. Trong Thế chiến II, phe Đồng minh và phe Trục đã sử dụng chiến thuật này để đánh lừa kẻ thù khiến đối phương nghĩ rằng lực lượng của họ có quy mô lớn hơn hoặc nghi binh về vị trí tập trung lực lượng.
Chiến dịch Bertram của Quân đội Anh bắt đầu trước Trận El Alamein lần thứ hai ở Bắc Phi, đã sử dụng xe quân sự giả để đánh lừa Tướng Đức Erwin Rommel về thời gian và địa điểm tấn công của quân Đồng minh.

Các phương tiện giả cũng được sử dụng để tạo ra nhóm Quân đội Mỹ nhằm đánh lừa lực lượng Đức Quốc xã tin rằng, cuộc đổ bộ Ngày D sẽ diễn ra gần Calais chứ không phải Normandy.
Ngày nay, người ta vẫn sử dụng các loại mồi nhử tương tự, nhưng chúng có một số hạn chế. “Những mồi nhử giả vẫn có thể đánh lừa máy bay không người lái trinh sát hoặc người quan sát từ xa. Tuy nhiên, ngay cả với công nghệ hình ảnh hiện đại, những mồi nhử thô sơ này vẫn dễ dàng bị phát hiện là hàng giả và do đó chúng dần ít hữu ích hơn“, Mittal viết.
Kết quả là các chuyên gia đã nỗ lực nhằm tăng độ tinh vi của các mồi nhử và hiện đã có các mồi nhử trông rất thuyết phục. Theo các báo cáo tiền tuyến, lực lượng Nga trong vài trường hợp đã sử dụng từ 1-3 UAV cảm tử loại Zala Lancet để phá hủy MBT giả.

Ngày càng tinh vi
Hiện nay, các chuyên gia đang nỗ lực tạo ra những mồi nhử thuyết phục và trông thật hơn nữa. Mittal trích dẫn những nỗ lực của công ty I2K Defense có trụ sở tại Mỹ trong việc phát triển một loại mồi nhử tiên tiến hơn. Ngoài việc sử dụng các loại vải trông giống thật hơn ngay cả khi ở khoảng cách gần, các hệ thống này còn có thể được triển khai tự động, cho phép thiết lập nhanh hơn và an toàn hơn mà không cần sự tham gia của con người.
Tương tự như vậy, các công ty quân sự của Ukraine cũng đang nghiên cứu các hình nộm chủ động được gắn trên xe tải, cũng có thể được điều khiển từ xa. Điều này có thể cho phép các hình nộm trông giống như các đơn vị thiết giáp thực sự, cải thiện khả năng đánh lừa đối phương.
Mục đích sử dụng những mồi nhử này không thay đổi nhiều so với Thế chiến II, với mục đích chính là đánh lừa đối phương. Buộc đối phương phải tiêu hao nhiều máy bay không người lái đắt tiền và các loại vũ khí khác. Mặc dù xe tăng giả có thể không rẻ, nhưng chúng có giá thành thấp hơn nhiều so với vũ khí dùng để phá hủy chúng.
(Theo National Interest)
Đọc bài gốc tại đây.