Ngày 15/4, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong bối cảnh tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ luôn kiên định trong chỉ đạo và điều hành, đặc biệt là phối hợp liên ngành với Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 (Bộ Công Thương). Mục tiêu là xử lí quyết liệt các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm, vi phạm nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Tăng trách nhiệm doanh nghiệp, siết quản lí sản phẩm tự công bố
TS. Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết việc quản lí an toàn thực phẩm được quy định rõ tại Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, nhiều sản phẩm thực phẩm thuộc diện doanh nghiệp được tự công bố, trong khi chỉ 4 nhóm đặc biệt mới phải đăng kí bản công bố sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền trước khi lưu thông.
“Tự công bố là cơ chế mở nhằm giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhưng đi kèm là trách nhiệm pháp lí rõ ràng. Doanh nghiệp buộc phải cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và tính an toàn của sản phẩm”, TS Nga nhấn mạnh.
Cơ chế này được đánh giá là tiệm cận phương thức quản lí tại các quốc gia phát triển, nơi doanh nghiệp là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện với sản phẩm lưu hành. Tuy nhiên, khi thiếu công tác hậu kiểm chặt chẽ, cơ chế tự công bố lại có thể trở thành kẽ hở để thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng “lọt lưới” ra thị trường.
Quy định này nhằm gắn trách nhiệm trong tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 và điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm.
Tại các nước này, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, không cần đăng kí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỉ một số ít các sản phẩm có công bố liên quan đến hỗ trợ bệnh tật mới cần được phê duyệt của cơ quan nhà nước trước khi lưu thông trên thị trường.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi”.

Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương đối với việc quản lí các nhóm thực phẩm cụ thể và trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm. Khoản 1 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh thực hiện quản lí nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn thực phẩm tại địa phương; tổ chức xử lí vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Hậu kiểm – điểm nghẽn cần siết chặt
Theo Bộ Y tế, công tác hậu kiểm sau tự công bố giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Hàng năm, Bộ đều xây dựng kế hoạch hậu kiểm và yêu cầu các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm 2025, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo địa phương đẩy mạnh hậu kiểm, rà soát việc tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và xử lí nghiêm các vi phạm phát hiện được.
Trong bối cảnh các vi phạm ngày càng tinh vi, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an đề xuất tăng chế tài xử phạt hành chính đối với nhóm hành vi thường xuyên vi phạm. Đồng thời, Bộ Công an cũng đang nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự nhằm bổ sung các quy định xử lý hình sự nghiêm khắc hơn với các đối tượng cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, gây hại cho cộng đồng.
Xử lí nghiêm vụ sữa bột giả
Liên quan đến vụ sữa bột giả gây xôn xao dư luận những ngày qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã chính thức khởi tố vụ án. Theo thông tin ban đầu, đây là đường dây có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, với dấu hiệu tổ chức sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, các đơn vị chuyên môn của Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan; đồng thời hỗ trợ điều tra, kiểm định chất lượng sản phẩm nhằm củng cố căn cứ khởi tố và xử lý theo quy định pháp luật. “Chúng tôi kiên quyết xử lí nghiêm, không để lọt tội phạm, dù là cá nhân hay tổ chức tiếp tay”, đại diện Bộ Y tế khẳng định.
Đọc bài gốc tại đây.