Nội dung chính
Estonia đột kích bắt tàu thuộc “Hạm đội bóng tối”
Tờ Politico (Mỹ) đưa tin, chính quyền Estonia (quốc gia thành viên NATO) vừa đột kích và bắt giữ một tàu ở biển Baltic. Thủ tướng Estonia Kristen Michal cho biết, đây là con tàu thuộc “Hạm đội bóng tối” của Nga.
“Sáng 11/4, Hải quân Estonia đã bắt giữ một tàu nằm trong diện bị trừng phạt. Nó không treo cờ của quốc gia nào, nhưng trước đó đã được đăng ký tại Djibouti theo hồ sơ công khai. Các nhà chức trách của chúng tôi hiện đang có mặt trên tàu, kiểm tra tình trạng pháp lý và mức độ an toàn của con tàu này” – Ông Michal thông báo qua bài đăng trên mạng xã hội.
Theo Politico, con tàu trên đã bị bắt giữ gần vịnh Tallinn trong một chiến dịch đột kích từ trực thăng của Estonia.
Đài phát thanh Estonia (ERR) cho biết, vào thời điểm bị bắt, con tàu đang trên hành trình hướng tới Ust-Luga – một cảng dầu quan trọng của Nga trên biển ở Biển Baltic.
Đáng lưu ý, theo ERR, giới chức Estonia thông báo rằng họ đã phát hiện tới 40 vi phạm trên con tàu này. Trong số đó, có 29 vi phạm mang tính chất nghiêm trọng và được xác định là cơ sở hợp pháp để bắt giữ tàu.
23/29 vi phạm liên quan tới tài liệu, số còn lại liên quan tới hệ thống an toàn hàng hải, đào tạo thủy thủ đoàn trong các tình huống khẩn cấp và trục trặc kỹ thuật.

Estonia tuyên bố bắt tàu thuộc “Hạm đội bóng tối” của Nga. Ảnh: Newsweek
Hãng tin RBC (Nga) cho biết thêm rằng, con tàu bị bắt mang tên Ust-Luga. Vào thời điểm hải quân Estonia tiến hành bắt giữ, trên tàu đang có 24 công dân nước ngoài.
Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna khẳng định, việc bắt giữ tàu Kiwala đã cho thấy rõ hiệu quả của “các bước đi phối hợp chống lại hạm đội bóng tối của Nga”.
Trước đó, các nước châu Âu nhiều lần cáo buộc Moscow sở hữu một đội tàu chở dầu khổng lồ tại Baltic để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Những “tàu ma” này thường không treo cờ (vi phạm luật hàng hải quốc tế) và có giấy tờ mập mờ. Theo Politico, hiện “hạm đội bóng tối” của Moscow chiếm tới 17% tổng số tàu chở dầu trên toàn thế giới.
“Rất nhiều tàu không có giấy tờ hợp lệ đã xuất hiện tại vịnh Phần Lan trong năm qua” – ông Veiko Kommusaar, quan chức biên phòng Estonia, nói với ERR – “Rõ ràng đây là một phần của hạm đội bóng tối”.
Hiện nhiều nước châu Âu đang tăng cường bắt giữ hoặc thậm chí cân nhắc đánh chìm các tàu này.
Tờ Politico hồi tháng 2/2025 dẫn lời 2 nhà ngoại giao trong Liên minh châu Âu (EU) và 2 quan chức chính phủ các nước thành viên tiết lộ, các quốc gia châu Âu đang tiến hành đàm phán kín về việc “bắt giữ quy mô lớn” các tàu chở dầu xuất khẩu của Nga tại Baltic. Họ cũng đang soạn thảo luật mới để tăng cường cơ sở pháp lý cho nỗ lực bắt giữ này.
Các đề xuất đang được xem xét bao gồm việc thông qua luật pháp quốc tế để bắt giữ tàu (Nga) dựa trên các cơ sở liên quan tới vấn đề môi trường và cướp biển. EU hiện đang đặt mục tiêu đưa thêm 74 tàu chở dầu của Nga vào “danh sách đen”.

Đường di chuyển của hạm đội bóng tối Nga qua biển Baltic. Ảnh: United24Media
Đe dọa đánh chìm một loạt tàu Nga
Trước vụ đột kích bắt tàu chỉ 2 ngày, Quốc hội Estonia đã thông qua luật mới cho phép hải quân Estonia sử dụng “vũ lực quân sự” với tàu thương mại mà họ cho là mang mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển.
Luật này cho phép quân đội Estonia nói chung, và hải quân Estonia nói riêng có quyền “đánh chìm” những con tàu mà họ nghi là vi phạm ở biển Baltic.
Quan chức Estonia cho biết, luật mới này nhằm vào Nga. “Trong trường hợp này, lý do nhằm ở nước láng giềng phía đông của chúng tôi, họ đang gây ra mối nguy hiểm thực sự cho Estonia” – Ông Meelis Kiili, chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Estonia cho hay, ám chỉ tới Nga.
Trong khi đó, các chuyên gia Nga lưu ý rằng, luật hàng hải quốc tế đã quy định về việc điều hướng an toàn cho các tàu dân sự.
Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Baltic của Nga Nikolai Mezhevich cho biết, có một số biện pháp nhất định được áp dụng đối với tàu thương mại nếu có bằng chứng. Ví dụ như khi dầu/nhiên liệu khác bị rò rỉ ra từ tàu.
Tuy nhiên, “nếu liên tục chặn tàu thì hành động đó có thể ví như hành động ‘cướp biển’, và nước tiến hành hoạt động này có thể bị đối xử tương xứng”.
Các chuyên gia quân sự Nga thì nhận định, quyết định đánh chìm tàu thương mại một cách vô lý có thể dẫn tới các cuộc xung đột quốc tế quy mô lớn, không chỉ liên quan tới Estonia mà còn cả các nước NATO khác.

Trong thời gian tới, Nga có thể điều động tất cả các tàu dân sự tiếp tế cho Kaliningrad. Ảnh: Avia.Pro
Nga cảnh cáo nóng
Trả lời tờ Izvestia, ông Andrei Kolesnik – đại diện Duma quốc gia Nga cho biết, xét đến việc Estonia có đường biên giới biển với Nga tại vịnh Phần Lan thuộc biển Baltic với chiều dài khoảng 142 km, thì gần như mọi tàu Nga có mặt ở biển Baltic đều có thể bị xếp vào nhóm “nguy hiểm và đáng ngờ” theo luật mới của Estonia.
“Sáng kiến này của Estonia có thể làm phức tạp việc di chuyển của hạm đội Nga tại Baltic và tạo ra rủi ro cho tỉnh Kaliningrad – nơi phụ thuộc vào đường tiếp tế qua biển” – Ông Kolesnik nhận định.
Ông Kolesnik lưu ý dường như đây là nỗ lực của Estonia nhằm phong tỏa khu vực phía tây của Nga, và cảnh báo chính quyền Tallinn cần nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hậu quả có thể xảy ra.
Ông đồng thời “khuyến cáo” chính quyền Estonia không nên làm căng thẳng thêm tình hình ở khu vực Baltic, bởi nếu không, phản ứng từ Nga sẽ đến rất nhanh.
Trong thời gian tới, Nga có thể sẽ xem xét việc triển khai tàu chiến hộ tống tất cả các tàu dân sự tiếp tế cho Kaliningrad.
Trong khi đó, Trợ lý Tổng thống Nga Nikolai Patrushev nghi ngờ có thế lực đứng sau Estonia nhằm khơi mào chống Nga.
“Một mình Estonia không thể làm điều này. Điều này đồng nghĩa có ai đó đứng sau họ. Chúng ta cần tìm hiểu và có thêm thông tin chi tiết để tìm cách ứng phó” – Ông Patrushev nói.
Hồi tháng 2, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Alexei Zhuravlev gọi sáng kiến mới của các nước EU nhằm bắt giữ tàu chở dầu của Nga ở Baltic là “cực kỳ nguy hiểm”, đồng thời kêu gọi kiềm chế các hành động khiêu khích.
“Bất cứ cuộc tấn công nào vào tàu chở dầu của Nga đều được gọi là ‘hành động xâm lược’ nhằm vào Moscow” – Ông Zhuravlev nói, đồng thời cảnh báo Moscow có thể đánh chìm hạm đội tàu tuần tra của ít nhất 3 nước Baltic.
“Estonia, Latvia và Lithuania cộng lại cũng chỉ có lực lượng hải quân mạnh tới mức mà Nga – chỉ cần lắp 2 khẩu súng máy trên bất cứ tàu chở dầu nào – cũng đủ sức đưa toàn bộ hạm đội tuần tra của họ xuống đáy biển” – Ông Zhuravlev nhấn mạnh.
Đọc bài gốc tại đây.