Mới đây, nữ diễn viên, doanh nhân Lý Nhã Kỳ đã cùng một đoàn nghệ sĩ và doanh nhân trẻ thực hiện một chuyến đi ý nghĩa đến với Gia Lai – mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió, để hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tham gia chuyến đi gồm có ca sĩ Vũ Phương, ca sĩ Holly Trương Diễm, MC Quốc Bảo và các doanh nhân trẻ TP.HCM
Lý Nhã Kỳ chia sẻ: “Chuyến đi không chỉ là một cuộc dạo chơi, mà còn là một hành trình sâu sắc để trải nghiệm, học hỏi và lan tỏa tình yêu với văn hóa Tây Nguyên hùng vĩ. Mục đích của chuyến đi không chỉ dừng lại ở việc tham quan du lịch thông thường.
Với vai trò là người khởi xướng và kết nối, tôi mong muốn tạo ra một cơ hội để bản thân và các đồng nghiệp được trực tiếp cảm nhận, tìm hiểu về đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Gia Lai.
Tôi có niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa Tây Nguyên, từ những nét kiến trúc nhà Rông, nhà Dài độc đáo, những bộ trang phục thổ cẩm tinh xảo, nền ẩm thực phong phú đến những lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn tâm linh và cộng đồng.
Điểm nhấn đặc biệt trong hành trình chính là sự đón tiếp nồng hậu và chân tình từ các già làng và người dân địa phương. Đoàn nghệ sĩ chúng tôi đã được mời về buôn làng, cùng quây quần bên những người con của núi rừng Tây Nguyên”.

Khoảnh khắc Lý Nhã Kỳ cùng Vũ Phương, Holly Trương Diễm, Quốc Bảo cùng các thành viên khác khoác lên mình bộ trang phục truyền thống do chính tay người đồng bào chuẩn bị là một hình ảnh đẹp, thể hiện sự tôn trọng và mong muốn hòa nhập với văn hóa bản địa.
Cô nói: “Những bộ váy áo thổ cẩm với hoa văn tinh tế, màu sắc rực rỡ giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự khéo léo, tỉ mỉ và đời sống tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Tôi rất thích thú và tự hào khi được mặc trên mình bộ trang phục mang đậm hồn cốt dân tộc.
Văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, là một kho tàng quý giá. Được trải nghiệm, được tìm hiểu và được đón nhận nồng hậu thế này là một niềm hạnh phúc lớn. Người Tây Nguyên thật sự là những người con đáng quý của đất Việt.
Không chỉ có trang phục, chúng tôi còn được mời tham dự bữa cơm thân mật, đậm đà hương vị núi rừng. Những món ăn đặc sản của Gia Lai như cơm lam thơm dẻo nấu trong ống tre, gà nướng muối ớt vàng ruộm, lá mì xào đậm đà, heo làng nướng xiên… được bày biện giản dị nhưng chứa đựng tấm lòng hiếu khách của người dân.
Ngồi quây quần bên mâm cơm, cùng nhau thưởng thức ẩm thực địa phương, lắng nghe những câu chuyện về đời sống, về rừng núi từ các già làng, khoảng cách giữa những người nghệ sĩ chúng tôi và người dân bản địa dường như được xóa nhòa. Đó là sự giao lưu văn hóa chân thực và ấm áp nhất, thông qua chính những món ăn, những lời trò chuyện mộc mạc”.
Đọc bài gốc tại đây.