Trang chủ Công nghệCNQP Bất ngờ trước radar bay AEW&C mới của Triều Tiên: “Như hổ thêm cánh”

Bất ngờ trước radar bay AEW&C mới của Triều Tiên: “Như hổ thêm cánh”

bởi Admin
0 Lượt xem

Theo Military Watch, các cảnh quay vệ tinh mới đã xác nhận việc Triều Tiên phát triển hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW&C), dựa trên khung một trong những máy bay vận tải hạng nặng Il-76 của nước này. Chương trình này sẽ đưa Triều Tiên trở thành quốc gia thứ tư sử dụng AEW&C dựa trên máy bay Il-76 sau Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Phương tiện này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng cho Không quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên trong tương lai.

Các hệ thống AEW&C mang theo radar lớn gấp nhiều lần, so với radar được sử dụng bởi máy bay chiến đấu và được đánh giá cao vì khả năng chia sẻ dữ liệu với máy bay chiến đấu cũng như các tài sản trên mặt đất, bao gồm dữ liệu nhắm mục tiêu để tạo điều kiện giao tranh hiệu quả hơn với máy bay địch.

Hiện đại hoá không quân

Trang bị AEW&C hiện đại là một dấu hiệu nữa cho thấy Triều Tiên đang đổi mới các khoản đầu tư cho lực lượng không quân của mình, trước đó, quốc gia này cũng đã dành sự quan tâm lớn đến việc mua máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.

Phi đội máy bay chiến đấu hiện tại của Triều Tiên được coi là đã lỗi thời, chủ yếu là các máy bay chiến đấu MiG-19 và MiG-21 từ thời Chiến tranh Lạnh, khá hơn chút là một số lượng nhỏ MiG-23ML và MiG-29.

Khả năng không đối không hạn chế của phi đội này làm giảm khả năng bảo vệ một tài sản có giá trị cao như AEW&C. Mặc dù việc phát triển AEW&C dựa trên Il-76 có thể cho phép quốc gia này giám sát tốt hơn các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của mình, nhưng để đạt được lợi ích đáng kể từ một tài sản như vậy sẽ đòi hỏi phải mua sắm các máy bay chiến đấu có khả năng hơn, với các cảm biến, tên lửa và khả năng chia sẻ dữ liệu hiện đại tương đương.

Sau khi các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc đưa tin vào tháng 9/2024 rằng, các phi công chiến đấu của Triều Tiên đã được điều động đến Vladivostok ở Viễn Đông của Nga, đã có nhiều suy đoán cho rằng một thỏa thuận máy bay chiến đấu đã được ký kết, thỏa thuận này sẽ tái trang bị cho nhiều đơn vị của Không quân Triều Tiên.

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ (USINDOPACOM), Đô đốc Samuel Paparo cũng đã báo cáo vào tháng 12/2024 rằng, Triều Tiên đã sẵn sàng tiếp nhận các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư MiG-29 và Su-27 của Nga. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng có những dấu hiệu bày tỏ quan tâm đến việc mua các máy bay chiến đấu ‘thế hệ 4+’ và thế hệ thứ năm tiên tiến hơn.

Tác giả của cuốn sách về an ninh Triều Tiên với tựa đề “Sống sót sau Kỷ nguyên đơn cực: Thế chiến 35 năm của Triều Tiên với Mỹ” AB Abrams, đã nhấn mạnh rằng Moskva có hai phương án chính để cung cấp máy bay chiến đấu cho Triều Tiên.

Phương án đầu tiên là Nga sẽ chuyển giao các máy bay chiến đấu tương tự các loại mà Triều Tiên đã triển khai như MiG-29. Nga có thể tuyên bố rằng, chúng đã được chuyển giao trước lệnh cấm vận để giải thích trước dư luận quốc tế.

Về phương án thứ hai gây tranh cãi hơn, ông đã giải thích thêm: “Nếu Triều Tiên mua máy bay chiến đấu mới của Nga, chẳng hạn như Su-35 và Su-57 tiên tiến hơn, những máy bay này có thể hoạt động tại các căn cứ của Triều Tiên với sự có mặt của các nhân viên Nga, sự xuất hiện của chúng sẽ được giới thiệu là hoạt động hợp tác huấn luyện giữa hai quốc gia và do Nga điều hành. Những máy bay chiến đấu tầm xa như vậy, có khả năng bay qua Hàn Quốc rất dễ dàng từ các sân bay Triều Tiên”.

AEW&C đối với Triều Tiên

Tầm quan trọng của AEW&C đối với các nỗ lực tác chiến trên không gần đây đã được chứng minh tại chiến trường Ukraine, nơi các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ từ các hệ thống A-50U, để tấn công các mục tiêu của Ukraine bằng tên lửa không đối không tầm xa R-37M.

A-50U cũng được sử dụng để hỗ trợ các hệ thống phòng không mặt đất đạt được khả năng tiêu diệt mục tiêu ở phạm vi 400 km trong độ cao thấp, nhằm đối phó với các máy bay chiến đấu của Ukraine. Các hệ thống cảnh báo sớm cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cần thiết để bắn những mục tiêu ngoài đường chân trời. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với Triều Tiên, nước này có thể sử dụng hệ thống AEW&C mới của mình để tăng cường cả các hệ thống phòng không mặt đất tiên tiến và các máy bay chiến đấu mới dự kiến được mua.

Lãnh thổ Triều Tiên nhỏ hơn rất nhiều, chỉ bằng khoảng 0,7 phần trăm lãnh thổ của Nga, cho phép chỉ cần một AEW&C duy nhất cũng có thể cung cấp phạm vi phủ sóng đáng kể.

Ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ngưỡng mộ, điều này cho thấy radar và các thiết bị điện tử hàng không dành cho AEW&C mới có thể sẽ được Triều Tiên phát triển một cách độc lập, mặc dù có nhiều suy đoán về sự hỗ trợ từ Nga do nước này đã rất quen thuộc với việc chuyển đổi máy bay Il-76 thành AEW&C.

Quang Hưng

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan