Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, atiso (tên khoa học: Cynara scolymus) là một loại cây thuộc họ Cúc, thường được sử dụng trong y học cổ truyền và ẩm thực, đặc biệt là ở Việt Nam. Cả hoa, lá và thân cây atiso đều có thể dùng làm dược.
Cây Atiso có nguồn gốc vùng Địa Trung Hải và được người Pháp mang sang Việt Nam trồng tại nơi có khí hậu mát mẻ làm rau ăn. Tại Châu Âu, atiso được dùng khá phổ biến trong ẩm thực, mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ.
Ở Việt Nam, lá atiso được ví như “vàng”, giúp người dân thu tiền tỷ nhờ bán lá.
Vụ thu hoạch lứa lá atiso năm 2024, dự ước nông dân Sa Pa thu về trên 8 tỷ đồng – thông tin trên Báo Lào Cai.

Hoa atiso nấu sườn non.
Ông Sáng cho biết atiso là một thực phẩm dinh dưỡng, riêng hoa atiso khoa học đã phân tích có 3-3,15% protein, 0,1-0,3% lipit, 11-15,5% glucid, 82% nước.
Ngoài ra, hoa của cây atiso còn có: Mangan, Photpho, Sắt, 300 UI vitamin A, 120g vitamin B1, 30g vitamin B2, 10mg vitamin C, Calci, Magiê, Natri, Inulin, Inulinaza, Kali (khá cao).
Tác dụng của atiso
Ông Sáng cho hay, tất cả các bộ phận của atiso đều dùng làm thuốc: Bông (hoa), lá, thân, rễ phơi khô.
Trong Y học cổ truyền, atiso có vị đắng, tính mát, không độc, quy kinh: Can, Thận. Atiso nổi tiếng với khả năng bảo vệ gan, giúp giải độc gan, hỗ trợ tăng tiết mật và làm mát gan. Chúng thường được dùng cho người có men gan cao, gan nhiễm mỡ, hay bị nóng trong, mụn nhọt do gan yếu.
“Atiso chứa cynarin và silymarin – hai hoạt chất có khả năng bảo vệ gan khỏi tổn thương, tái tạo tế bào gan. Dùng atiso hỗ trợ điều trị các bệnh về gan như: men gan cao, gan nhiễm mỡ, viêm gan nhẹ, nóng gan gây mụn nhọt, vàng da…”, ông Sáng cho hay.
Các hợp chất trong atiso kích thích dịch mật, giúp tiêu hóa chất béo tốt hơn, hỗ trợ người bị đầy bụng, khó tiêu. Nhiều nghiên cứu cho thấy atisô có thể giúp giảm lượng cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).
Nhờ chứa nhiều kali, atiso giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể, có lợi cho người bị cao huyết áp.
Uống nước atiso giúp thải độc qua đường tiểu, giảm nóng trong, phù hợp cho những ngày nóng.
Theo ông Sáng, atiso chứa nhiều chất chống oxy hóa như quercetin, rutin và anthocyanin, có thể hỗ trợ phòng ngừa tế bào ung thư phát triển.
Liều dùng tốt cho sức khoẻ: 10-20g/ngày (dược liệu); 2-10g/ngày (cao lỏng).
Món ăn bài thuốc hay từ atiso
Dưới đây, ông Sáng giới thiệu một số bài thuốc hay có dùng tới atiso.
– Trị yếu can thận, viêm thận, viêm gan, sưng khớp xương: Atiso 20g. Sắc uống.
– Trị thấp khớp, thống phong, thủy thũng, sỏi mật: Rễ atiso.
– Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Lá atiso và hoa atiso lượng tuỳ dùng, luộc, ăn như rau thường ngày.
– Hạ đường huyết: Hoa Atiso phơi hoặc sấy khô, tán bột. Pha như trà uống hàng ngày.
– Bồi bổ sức khỏe: Lá atiso 100g, ý dĩ nhân 50g, ga lợn 100g. Hầm ba loại này làm thức ăn bổ dưỡng. Sử dụng khoảng 5 ngày/lần.
Lưu ý khi sử dụng
Dùng quá nhiều (nhất là trà atiso đặc) có thể gây mất cân bằng tiêu hóa, đầy bụng, hoặc ảnh hưởng đến mật. Do đó, khi dùng phải đúng theo liều lượng. Người bị sỏi mật nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Trường hợp dùng atiso để hỗ trợ sức khỏe cụ thể như: gan, tiêu hóa… nên có sự tư vấn chuyên môn để sử dụng có hiệu quả. Khi dùng atiso nên mua ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo chất lượng.
Ngọc Minh
Đọc bài gốc tại đây.