Trang chủ Công nghệCNQP Chuyên gia NATO: Ka-52 là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Ukraine

Chuyên gia NATO: Ka-52 là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Ukraine

bởi Admin
0 Lượt xem

Tại Hội nghị trực thăng quân sự quốc tế IQPC 2025, được tổ chức tại London từ ngày 25 đến 27/2/2025, Trung tá Emiliano Pellegrini của Quân đội Ý, một chuyên gia về trực thăng tấn công thuộc Trung tâm năng lực không quân chung của NATO (JAPCC), đã đưa ra đánh giá nổi bật về lực lượng trực thăng của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu trước các chuyên gia quân sự và nhà phân tích, Pellegrini tuyên bố rằng trực thăng tấn công của Nga từng được coi là “mục tiêu dễ dàng” trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, đã phát triển thành “cơn ác mộng tồi tệ nhất” đối với lực lượng Ukraine. Ông lập luận rằng sự chuyển đổi này bắt nguồn từ khả năng điều chỉnh chiến thuật và tăng cường năng lực trực thăng của Nga trong ba năm xung đột, một quá trình đã giảm đáng kể tổn thất và thay đổi động lực chiến trường.

Phân tích của Pellegrini được trình bày chi tiết trong các báo cáo từ Defense Express và Flight Global, dựa trên biểu đồ thống kê hoạt động của phi đội trực thăng Nga – bao gồm 95 chiếc Mi-24/35, 75 chiếc Ka-52 Alligator và 55 chiếc Mi-28 Havoc vào đầu cuộc xung đột.

Trong năm đầu tiên, tính đến tháng 3/2023, các nền tảng này đã bị hao mòn nặng nề, với 59 đơn vị bị phá hủy, bao gồm 42 đơn vị bị bắn hạ và 17 đơn vị bị mất trên mặt đất, chiếm gần 30% đội bay hoạt động. Đến năm thứ hai, kết thúc vào tháng 3/2024, tổn thất trên không đã giảm 52% xuống còn 19, mặc dù tổn thất trên mặt đất tăng 40% lên 28.

Dữ liệu sơ bộ từ năm thứ ba cho thấy xu hướng giảm này vẫn tiếp diễn, một sự thay đổi mà Pellegrini cho là do sự tiến hóa về mặt chiến thuật và nâng cấp công nghệ. “Nga đã học được cách sử dụng trực thăng của mình tốt hơn“, ông nói với hội nghị, coi sự thích nghi này là một yếu tố quan trọng trong sự hồi sinh của trực thăng Nga.

Trực thăng Ka-52

Ka-52 Alligator là ví dụ điển hình cho sự tiến hóa này. Nặng 10,8 tấn, Ka-52 được trang bị hai động cơ tua bin trục Klimov VK-2500, mỗi động cơ sản sinh công suất 2.400 mã lực, giúp trực thăng đạt tốc độ tối đa 300 km/giờ và phạm vi hoạt động lên tới 460 km.

Vũ khí Ka-52 gồm một khẩu pháo tự động 30 mm 2A42 với 460 viên đạn và 12 tên lửa chống tăng có điều khiển Vikhr, có hiệu quả trong phạm vi 8 km, ngoài ra còn có thể mang thêm tên lửa không điều khiển và tên lửa không đối không Igla. Thiết kế rotor đồng trục hai cánh quạt quay ngược nhau, giúp loại bỏ rotor đuôi phía sau, tăng cường khả năng cơ động và giảm độ rung.

Ka-52 có lớp giáp bảo vệ buồng lái dày 23 mm, trực thăng còn được trang bị máy gây nhiễu hồng ngoại và máy phát tán mồi/pháo sáng tăng cường khả năng phòng thủ. Hệ thống quang học nhìn đêm và dẫn đường tên lửa được cải thiện từ các bản nâng cấp 2023, giúp mở rộng khả năng sát thương của Ka-52, cho phép giao tranh vượt ngoài tầm với của nhiều hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Trực thăng Mi-28

Mi-28 là một nền tảng tấn công chuyên dụng, bổ sung cho Ka-52. Với trọng lượng 11,7 tấn, nó cũng sử dụng động cơ VK-2500, với tốc độ tối đa lên tới 320 km/giờ với phạm vi hoạt động 450 km. Mi-28 cũng trang bị pháo 30 mm 2A42 như Ka-52, nhưng có thể mang tới 16 tên lửa Ataka hoặc Vikhr, được tối ưu hóa để xuyên giáp ở phạm vi lên tới 10 km.

Lớp giáp composite của Mi-28 chịu được đạn cỡ nòng 20 mm và bộ thiết bị điện tử hàng không của trực thăng có máy ảnh nhiệt và máy đo khoảng cách laser, hỗ trợ các hoạt động ban đêm. Những cải tiến gần đây, chẳng hạn như hệ thống tự vệ nâng cấp và các biện pháp đối phó điện tử, đã giảm thiểu các lỗ hổng được phát hiện vào năm 2022, khi hoạt động ở độ cao thấp khiến nó trở thành mục tiêu chính cho các hệ thống phòng không xách tay (MANPADS).

Trực thăng Mi-24/35

Mi-24/35 là loại trực thăng vận tải – chiến đấu hỗn hợp. Nặng 11,5 tấn, nó sử dụng hai động cơ TV3-117VMA, mỗi động cơ có công suất 2.200 mã lực, đạt tốc độ tối đa 335 km/giờ và phạm vi hoạt động 450 km.

Trực thăng được trang bị súng Gatling Yak-B 12,7 mm bắn 4.500 viên đạn mỗi phút, ngoài ra còn mang theo tên lửa Shturm hoặc Ataka và các ống phóng rocket 80 mm. Mi-24/35 có khả năng chở 8 binh sĩ với đầy đủ trang bị. Trực thăng cũng đã được hiện đại hóa, bao gồm hệ thống dẫn đường và hệ thống phân phối pháo sáng, nhờ vậy mà đã hạn chế tổn thất trên chiến trường.

Nga đã thích nghi

Dữ liệu của Pellegrini cho thấy tổn thất ban đầu trong cuộc xung đột Nga – Ukraine của trực thăng Nga gồm: 49% số vụ bắn hạ trong năm đầu tiên là từ MANPADS, 22% từ pháo phòng không, 17% từ vũ khí hạng nhẹ và 12% từ vũ khí chống tăng ở chế độ bắn trực tiếp. Ka-52 chịu 62% trong số những tổn thất này, tiếp theo là Mi-24/35 với 21% và Mi-28 với 17%. Nguyên nhân chính được chỉ ra lf do sự lỗi thời về mặt chiến thuật.

Đến năm 2023, Nga chuyển sang giao tranh cầm chừng, sử dụng tên lửa tầm xa như Vikhr, phối hợp với trực thăng tác chiến điện tử và UAV để phá vỡ hệ thống phòng không của Ukraine.

Các nâng cấp công nghệ cũng đã góp phần vào việc giảm tổn thất. Các thiết bị gây nhiễu hồng ngoại được cải tiến, hệ thống nhìn ban đêm hiện đại hóa và hệ thống dẫn đường được cải thiện đã giúp giảm khả năng phát hiện và tiếp xúc của trực thăng. Các vấn đề rung động của Ka-52, từng hạn chế độ chính xác tầm xa, đã được giảm thiểu bằng các tinh chỉnh phần mềm, trong khi Mi-28 và Mi-35 đã có được các biện pháp đối phó mạnh mẽ chống lại MANPADS.

Sự thích nghi này có tác động hữu hình đến chiến trường. Trong khi các MANPADS của Ukraine như Igla đã từng hạ hàng chục trực thăng mỗi tháng, thì các chiến thuật đối đầu ở độ cao lớn hơn của Nga đã hạn chế những thành công như vậy. “Chúng không bất khả chiến bại, nhưng chúng khó bị bắn trúng hơn“, một sĩ quan Bộ Tổng tham mưu Ukraine thừa nhận.

Dữ liệu năm thứ ba của Pellegrini, mặc dù chỉ là sơ bộ, nhưng cho thấy tổn thất trực thăng Nga tiếp tục giảm. “Trò chơi đang thay đổi – Nga đang bắt kịp“, ông cảnh báo, thúc giục NATO đánh giá lại các chiến lược máy bay trực thăng của mình.

Pellegrini lập luận rằng những bước đi sai lầm ban đầu của Nga bắt nguồn từ việc không tích hợp được học thuyết hiện đại. Việc triển khai trực thăng mà không có UAV hoặc hỗ trợ tác chiến điện tử đã khiến chúng phải đối mặt với hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Ukraine, nhưng nó đã được khắc phục từ năm 2024.

Đó là một sự thay đổi về mặt học thuyết – họ đã ngừng bay mù quáng“, Tướng Sir Richard Barrons, cựu chỉ huy Lực lượng Liên hợp Anh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào tháng 3/2025.

Phân tích của Pellegrini, mặc dù không phải là nghiên cứu chính thức của NATO, những cũng đã đặt ra câu hỏi về sự chuẩn bị của liên minh, “Nếu Nga có thể thích nghi nhanh như vậy, thì chúng ta sẽ phản ứng thế nào?“. Tuy nhiên, không có phản ứng nào từ các chuyên gia trong hội nghị này.

Quang Hưng

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan