Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với hàng loạt nền kinh tế. Theo đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.
Trả lời trên Thanh Niên, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết, công thức thuế đối ứng mà Mỹ áp lên các nước là 1/2 x thâm hụt thương mại/giá trị xuất khẩu của nước đó sang Mỹ.
Ông lấy ví dụ, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước này là 136,6 tỉ USD và ngược lại Việt Nam mua hàng hóa từ Mỹ là 13,1 tỉ USD. Mỹ bị thâm hụt thương mại 123,5 tỉ USD, tương ứng tỷ lệ 90% (123,5 tỉ USD/136,6 tỉ USD). Như vậy Mỹ chọn mức thuế đối ứng khoảng 1/2 của tỷ lệ nói trên nhưng chọn cao hơn là 46% (thay vì 45%).

Mức thuế đối ứng của Mỹ lên các nền kinh tế.
Trước thông tin thuế đối ứng áp lên Việt Nam lên tới 46%, về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng-Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam chia sẻ trên Dân Việt quan điểm rằng đây là thời điểm, cần tìm hiểu kỹ về mức thuế cao hay thấp với từng mặt hàng, cũng như mức độ tác động của thuế để đưa ra phương án.
Theo ông, cần thận trọng tìm hiểu kỹ, không thể vội vàng đưa ra các thông tin gây lo lắng: “Chúng ta chưa nên phản đối vội. Vấn đề quan trọng là tìm ra giải pháp để ứng phó với việc áp thuế này của phía Mỹ”, ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus (Tập đoàn đa quốc gia đến từ Hà Lan) nhận định, không riêng gì Việt Nam bị ảnh hưởng mà hàng chục nền kinh tế khác cũng bị áp thuế cao, đơn cử Trung Quốc 54%, EU 20%; Ấn Độ 26%, Nhật Bản 24%…
Theo ông, để ứng phó với diễn biến mới này cần điều chỉnh cách đàm phán với Mỹ. Bởi mục đích của họ chính là nhằm thúc giục các nước giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hoá của Mỹ; tăng nhập khẩu LNG (khí hoá lỏng), máy bay hoặc vũ khí do Mỹ sản xuất…
Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự sáng tạo và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi bước vào các cuộc đàm phán mới với Chính phủ Hoa Kỳ.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi

Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề thuế đối ứng của Mỹ lên Việt Nam.
Ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hàng hoá của hàng loạt nền kinh tế trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá tình hình, tác động từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, thảo luận đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình.
Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Hoa Kỳ, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.
Đọc bài gốc tại đây.