Trang chủ Quốc tế Ông Trump áp thuế đối ứng: 1 nhà máy quyết định đóng cửa, hòn đảo nhỏ bối rối vì chịu mức thuế 29%

Ông Trump áp thuế đối ứng: 1 nhà máy quyết định đóng cửa, hòn đảo nhỏ bối rối vì chịu mức thuế 29%

bởi Admin
0 Lượt xem
image

Tổng thống Trump đã công bố trọng tâm chương trình nghị sự về thuế quan của mình vào ngày 2/4, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông sẽ áp dụng thuế nhập khẩu toàn diện đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia. Ông gọi các khoản thuế này là cần thiết để xây dựng lại nền kinh tế Mỹ.

Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn đối với một số quốc gia  – ông Trump cho biết khi tiết lộ một loạt các động thái mà ông gọi là “Ngày giải phóng” cho chính sách thương mại của Mỹ.

Nhiều nước đã đưa ra phản ứng trước quyết định này. Dưới đây là phần cập nhật phản ứng của các nước.

(Tiếp tục cập nhật….)

 Thị trường toàn cầu phản ứng mạnh mẽ

Thị trường toàn cầu đã phản ứng mạnh mẽ ngày sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan vào ngày 2/4 (giờ địa phương).

Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu Mỹ, đặc biệt là các công ty phụ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá cổ phiếu lao dốc.

Hợp đồng tương lai S&P 500 đã giảm 3% trong phiên mở cửa ngày 3/4. Hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm hơn 4% và hợp đồng tương lai Dow giảm khoảng 1.000 điểm, tương đương 2%.

Đây là phản ứng mạnh mẽ sau khi các chỉ số này vừa trải qua quý tồi tệ nhất trong nhiều năm, chủ yếu do lo ngại về tác động kinh tế từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.

Thị trường châu Á cũng ghi nhận mức lỗ đáng kể chỉ vài phút sau phiên giao dịch.

Trong khi, vàng đạt mức cao kỷ lục mới chỉ trên 3.160 USD/ounce theo Reuters, thì chỉ số chứng khoán giảm mạnh.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm gần 4% – mức thấp nhất trong tám tháng.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm khoảng 1,15% sau khi Mỹ công bố mức thuế mới 34% đối với Trung Quốc, nâng tổng mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 54%.

Chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 1%.

Chỉ số ASX 200 của Úc giảm 142 điểm, tương đương 1,79%.

Một nhà máy ở Canada đóng cửa

Theo The New York Times, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế với Canada, nhà máy sản xuất dòng xe minivan và xe cơ bắp Dodge của Stellantis ở Windsor, Ontario đã tuyên bố đóng cửa trong hai tuần.

Trong một lá thư gửi ban lãnh đạo, Chủ tịch James Stewart thông báo, việc đóng cửa bắt đầu vào thứ Hai (7/3) và mức thuế là yếu tố chính dẫn đến quyết định này.

Các vùng đảo xa xôi bất ngờ vì bị Mỹ áp thuế

Trong số những nơi khó hiểu nhất trên thế giới bị đánh thuế là Quần đảo Heard và McDonald, những hòn đảo núi lửa xa xôi. Chúng là lãnh thổ của Úc nhưng gần Nam Cực hơn.

Những hòn đảo nguyên sơ về mặt sinh thái này là nơi sinh sống của rất nhiều chim cánh cụt hải cẩu lông Nam Cực… nhưng không có con người.

Ngoài ra, Úc còn một hòn đảo khác cũng bị đánh thuế. Đó là đảo Norfolk – mức 29%, cao hơn gần gấp ba lần so với mức 10% của Úc.

Mặc dù hòn đảo núi lửa gồ ghề ở Nam Thái Bình Dương này vận chuyển một lượng nhỏ hạt cọ Kentia ra nước ngoài, nhưng giá trị thường chỉ dưới 1 triệu USD/năm và chủ yếu là xuất sang châu Âu.

Tin tức về mức thuế quan cao bất thường đã lan truyền đến 2.188 cư dân thành phố vào ngày 3/4 với cảm giác vừa hài hước vừa bối rối.

“Đảo Norfolk chỉ là một chấm nhỏ trên thế giới”, Richard Cottle, chủ sở hữu một doanh nghiệp trộn bê tông trên đảo nói với Reuters. “Chúng tôi không xuất khẩu bất cứ thứ gì”.

Những chủ doanh nghiệp khác ở đảo Norfolk nói rằng, không ngành sản xuất nào trên đảo và ngành công nghiệp chính của đảo là du lịch.

“Các sản phẩm từ đảo Norfolk sẽ phải chịu mức thuế 29% ư? Không có sản phẩm nào cả, nên sẽ không có tác động gì cả”, Gye Duncan, chủ một công ty tư vấn thuế trên đảo, cho biết.

“Có lẽ họ [Mỹ] thậm chí còn không biết đảo Norfolk nằm ở đâu trên thế giới. Có lẽ đó chỉ là một sự bất thường”.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Mỹ đã ghi nhận thâm hụt thương mại với đảo Norfolk trong ba năm qua. Hòn đảo này đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 300.000 USD sang Mỹ vào năm 2022, 700.000 USD vào năm 2023 và 200.000 USd vào năm 2024. Lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ của hòn đảo này ở mức 100.000 USD trong cùng thời điểm.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy bỏ mức thuế quan mới

Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các mức thuế quan mới nhất và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của nước này, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế toàn diện đối với tất cả các đối tác thương mại, bao gồm Bắc Kinh thêm mức thuế mới 34%.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ngày 3/4 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Thương mại nước này nói rằng, Mỹ cần giải quyết thỏa đáng những khác biệt với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng.

“Lịch sử đã chứng minh rằng việc tăng thuế quan sẽ không giải quyết được vấn đề của nước Mỹ. Điều này không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ mà còn gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu và sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng. Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và không có lối thoát cho chủ nghĩa bảo hộ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng”, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi.

Theo ghi nhận của Reuters, tại thị trường Trung Quốc, cổ phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ đã lao dốc khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 0,5%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,7% khi mở cửa.

Đồng Nhân dân tệ chạm mức thấp nhất trong một tháng qua trong giao dịch, giảm 0,5% xuống còn khoảng 7,3 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 13/2.

Hàn Quốc “dùng mọi khả năng để vượt qua khủng hoảng thương mại”

Theo CNN, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã ra lệnh cho chính phủ “dùng mọi khả năng để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại” tại cuộc họp khẩn cấp hôm 3/4 giờ địa phương và mô tả tình hình là “cực kỳ nghiêm trọng”.

Ông Han chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại nước này “phân tích kỹ lưỡng các chi tiết và tác động của mức thuế quan được công bố hôm nay và tích cực tham gia đàm phán với Mỹ để giảm thiểu thiệt hại”.

Ông cũng chỉ đạo chính phủ nhanh chóng chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các ngành công nghiệp và công ty dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi thông báo áp thuế.

Thông báo của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép được áp dụng vào tháng trước. Hàn Quốc là nước xuất khẩu thép lớn thứ tư sang Mỹ.

Chỉ số chứng khoán Kospi của nước này đã giảm khoảng 1,5% vào sáng nay sau khi giảm 3% trong phiên mở cửa.

New Zealand “vui mừng” khi thuế quan được áp dụng ở mức thấp nhất

Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết việc Mỹ áp thuế đối với hàng xuất khẩu của New Zealand là lý do để “ăn mừng”, vì New Zealand nằm trong nhóm các quốc gia sẽ phải chịu mức thuế thấp – cơ bản 10%.

Bộ trưởng Thương mại Todd McClay đã loại trừ khả năng áp thuế quan tương hỗ đối với Mỹ vào đầu ngày 3/4.

McClay cho biết trong một cuộc họp báo: “Bản thân thuế quan đẩy giá lên cao và không tốt cho thương mại”.

Nhật Bản

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto gọi những hành động trả đũa qua lại này là “cực kỳ đáng tiếc” và cho biết Tokyo sẽ thúc giục Mỹ miễn cho Nhật Bản khỏi các biện pháp thuế quan.

Canada

Thủ tướng Mark Carney cho biết Canada “sẽ chống lại các mức thuế quan này bằng các biện pháp đối phó” và sẽ “hành động có mục đích và bằng vũ lực”.

Mexico

Tổng thống Claudia Sheinbaum cho biết hôm 2/4 rằng Mexico sẽ không theo đuổi “đáp trả thuế quan” mà sẽ công bố một “chương trình toàn diện” vào 3/4.

Australia

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Úc sẽ tìm cách đàm phán với Mỹ để xóa bỏ thuế quan mà không cần dùng đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Ông cho biết chính phủ của ông sẽ không áp dụng thuế quan qua lại.

Liên minh châu Âu

Bernd Lange, Chủ tịch ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, cho biết EU sẽ phản ứng “thông qua các biện pháp hợp pháp, chính đáng, tương xứng và quyết đoán”.

Lange cho biết: “Tôi hy vọng rằng những lập luận và phản ứng kiên quyết của chúng tôi sẽ tạo ra đủ động lực để đưa Mỹ vào bàn đàm phán”.

Brazil

Brazil cho biết họ đang “đánh giá mọi hành động có thể để đảm bảo tính có đi có lại trong thương mại song phương, bao gồm cả việc nhờ đến Tổ chức Thương mại Thế giới”.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan