Nội dung chính
Nội dung chính
- Xã có diện tích rộng nhất và vị trí địa lý đặc biệt ở Việt Nam
- Trải nghiệm du lịch đặc sắc tại xã rộng nhất Việt Nam
Đó là Xã Krông Na, nằm ở phía tây bắc của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Xã này có diện tích hơn 1.113,7 km², tức là không chỉ rộng hơn tỉnh nhỏ nhất Việt Nam – Bắc Ninh (khoảng 822 km²) mà còn rộng hơn cả Hà Nam (khoảng 861 km²) lẫn Hưng Yên (khoảng 930 km²).
Xã Krông Na không chỉ nổi bật với diện tích lớn nhất nếu so với quy mô một đơn vị hành chính cấp xã, mà còn là nơi hội tụ của một hệ sinh thái động thực vật rất phong phú, nền văn hóa đa dạng cùng những tài nguyên thiên nhiên quý giá.

Xã Krông Na nổi bật với diện tích lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Google map)
Ở góc độ du lịch, Krông Na là một điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và nền văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.
Vị trí đặc biệt và tài nguyên quý giá của Krông Na
Krông Na là xã có vị trí đặc biệt khi giáp với tỉnh Mondulkiri của Campuchia, tạo ra một vùng biên giới dài tới 46,7 km.
Xã Krông Na tọa lạc tại vùng bình nguyên Ea Súp, với độ cao trung bình từ 200 đến 220 mét so với mực nước biển. Hướng nghiêng của địa hình là Tây – Tây Nam. Khu vực này có địa hình đa dạng và bị chia cắt mạnh, phần lớn thuộc về Vườn quốc gia Yok Đôn.
Các khu vực đồi núi cao như Chư Minh, Chư Mar, Chư Nao, Chư Ming nằm ở phía Bắc đạt độ cao khoảng 300 mét, trong khi đó khu vực đồi Yok Don ở phía Nam có độ cao từ 250 đến 400 mét. Khu vực đồi Yok Rheng, Yok Da ở phía Tây. Phần đất thấp trũng nằm ở hạ lưu sông Sêrêpốk và các suối nhỏ hơn, cũng như trung tâm xã, có độ cao bình quân là 185 mét so với mực nước biển.

Krông Na là xã có vị trí đặc biệt khi giáp với tỉnh Mondulkiri của Campuchia. (Ảnh: PLO)
Krông Na có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình của cao nguyên Nam Trung Bộ, phân chia thành hai mùa thấy rõ: mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 qua đến tháng 4 năm sau.
Đất đai của xã phần lớn là đất lâm nghiệp, chiếm hơn 98% diện tích tự nhiên. Theo Vietnamnet, Krông Na nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn, một trong những vườn quốc gia lớn nhất ở Việt Nam. Hệ sinh thái ở Krông Na bao gồm nhiều loài cây cối, thảo mộc quý, và cũng là nơi bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm như bò tót, hươu, nai, gấu chó… cùng nhiều loài chim đặc hữu có giá trị bảo tồn cao.
Vì vậy, Krông Na không chỉ thu hút những nhà khoa học, nghiên cứu động vật mà còn là điểm đến lý tưởng cho các du khách yêu thích thiên nhiên hoang dã và các hoạt động du lịch sinh thái, qua đó góp phần mang lại nguồn lợi lớn cho cộng đồng dân cư sống tại đây.

Krông Na nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn, nơi sở hữu hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú và đa dạng. (Ảnh: PLO)
Mạng lưới sông suối dày đặc cũng góp phần làm nên vẻ đẹp đặc trưng của khu vực này. Sông Sêrêpốk, chảy qua Krông Na, không chỉ tạo ra những thác ghềnh hùng vĩ mà còn cung cấp nguồn nước quan trọng cho địa phương.
Là xã có diện tích lớn nhất cả nước nhưng diện tích đất sản xuất của Krông Na không nhiều. Nhiều năm nay, người dân chủ yếu canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như lúa, mì, khoai, mía…
Điểm đến trứ danh, trải nghiệm sâu sắc
Krông Na là nơi sinh sống của người M’Nông, Ê Đê và một số dân tộc thiểu số khác. Vì thế, đến Krông Na, du khách sẽ được trải nghiệm cả du lịch sinh thái lẫn du lịch văn hóa. Những buôn làng như Đôn, Đrang Phốk, Ea Mar, Ea Rông, Ea Rông B, Yang Lành, Trí, và thôn Thống Nhất không chỉ là nơi sinh sống của người dân mà còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể bạn chưa biết: cái tên Bản Đôn trong bài hát trứ danh “Chú voi con ở Bản Đôn” chính là Buôn Đôn thuộc địa bàn xã Krông Na, với hệ sinh thái du lịch phong phú.

Chuyển từ “cưỡi voi” sang ngắm nhìn và “làm bạn” với voi là một thay đổi trong du lịch ở Bản Đôn, rất phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch bền vững và thân thiện, càng thêm khả năng thu hút du khách quốc tế. (Ảnh: Traveloka)
Đến với Krông Na, du khách có cơ hội tham gia Hội voi Buôn Đôn. Voi là niềm tự hào của núi rừng Tây Nguyên. Chúng không chỉ tham gia vào các lễ hội văn hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày của người dân. Từ năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết bản ghi nhớ với AAF về việc chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện.
Vì vậy, hiện nay, khi đến với khu du lịch cầu treo Buôn Đôn, tuy không còn hoạt động cưỡi voi nhưng du khách vẫn có thể ngắm nhìn những chú voi dạo chơi, hoặc mở tiệc buffet cho voi, tham gia lễ cúng sức khỏe cho voi, cho voi ăn…

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
Ngoài ra, nếu ghé thăm Krông Na vào những dịp diễn ra các lễ hội, du khách còn được thưởng thức những buổi biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc, hòa mình vào các điệu nhảy tập thể đầy sôi động. Các lễ hội cồng chiêng tại Krông Na thường được tổ chức vào những dịp đặc biệt, như lễ hội Mừng lúa mới, lễ hội Bỏ mả, và các lễ hội tạ ơn trời đất.
Xã Krông Na cũng sở hữu nhiều điểm tham qua hấp dẫn, trong đó có Khu Du lịch Cầu treo Buôn Đôn. Tại đây, trải nghiệm đi qua cây cầu treo vượt qua sông Sêrêpốk cho du khách cơ hội trải nghiệm và ngắm nhìn dòng sông uốn lượn bên kia là rừng Yok Don xanh thẳm.

Cầu treo Buôn Đôn là điểm check-in được du khách rất mong chờ. Ảnh: Thaiantravel
Không xa lạ gì, mộ của vua voi Khun Yu Nốp cũng là điểm đến lý thú cho những ai muốn khám phá câu chuyện về người tù trưởng có tài săn bắt voi, nơi mà kiến trúc giản dị hòa quyện với nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê và Lào.
Và Thác Bảy Tầng, được tạo hình từ dòng nước chảy qua các bậc đá, nằm yên bình trong lòng Vườn quốc gia Yok Đôn, mang lại cảnh quan ngoạn mục và là điểm nhấn cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu vẻ đẹp tự nhiên của địa phương này.
Du lịch sinh thái tại Krông Na đang trở thành một nguồn thu quan trọng, thông qua việc khám phá Vườn quốc gia Yok Don và tham gia vào các sự kiện như giải chạy Yok Don National Park Trail. Hoạt động này không chỉ giúp tăng cường nguồn thu từ du lịch mà còn góp phần bảo tồn văn hóa và hệ sinh thái địa phương.
Tiềm năng phát triển du lịch tại Krông Na
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Krông Na, xã đã được hình thành 2 tổ du lịch cộng đồng ở buôn Trí và Yang Lành. Có tổng cộng 30 hộ dân tộc thiểu số tham gia vào việc khai thác du lịch. Họ đang dần học cách tận dụng giá trị văn hóa truyền thống để phát triển nguồn sinh kế bền vững.
Ngoài ra, trên địa bàn cũng có 2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đem lại lượng lớn du khách hàng năm, nhờ vào các lợi thế tự nhiên như đảo nổi trên sông Sêrêpốk, Vườn quốc gia Yok Đôn và đàn voi nhà, Krông Na đã trở thành điểm đến du lịch nổi bật của Đắk Lắk.

Du lịch Buôn Đôn là một trong những trải nghiệm khó quên khi tới mảnh đất Đắk Lắk. (Ảnh: Vietgoing)
Theo thống kê của UBND xã Krông Na, với lượng du khách ước tính khoảng 15.000 lượt mỗi năm vào các dịp lễ và kỳ nghỉ hè, đang hướng tới việc phát triển du lịch như một lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Đây là kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân trong tương lai, thông qua việc tạo ra việc làm, tăng thu nhập và bảo tồn văn hóa.
Với diện tích rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền văn hóa đặc sắc, Krông Na không chỉ là một xã có giá trị về mặt hành chính mà còn là một viên ngọc quý của tỉnh Đắk Lắk. Xã này mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, nhưng cũng chứa đựng những giá trị truyền thống không thể nào quên. Nếu có dịp đến Tây Nguyên, Krông Na chắc chắn sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai muốn trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Tổng hợp
Đọc bài gốc tại đây.