Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa công bố kết quả thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng của Việt Nam với các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM. Việc này thanh tra diễn ra từ ngày 1/1/2023 đến cuối năm 2024.
Cơ quan này chỉ rõ, đối với việc khai thác máy bay, ba hãng hàng không là Korean Air, Eva Airways và Japan Airlines chưa được Cục HKVN cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ đến và đi từ Việt Nam.
Korean Air, Korean Airlines , Eva Airways, China Airlines, Cathay Pacific, Emirates, Japan Airlines và Malaysia Airlines chưa thông báo trước về nội dung và dạng hàng nguy hiểm trên máy bay thông qua kế hoạch đã thống nhất với ATC theo quy định.

Korean Air chưa được Cục HKVN cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ đến và đi từ Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Tổ lái các chuyến bay của Korean Air, Eva Airways, Cathay Pacific, Malaysia Airlines, China Airlines, Cambodia Angkor Air, Singapore Airlines, China Southem, Air Asia Behad, Japan Airlines và Thai Vietjet Air không tiếp nhận các bản tin khí tượng để phục vụ chuyến bay theo quy định.
Đối với hoạt động khai thác máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cathay Pacific, China Airlines, Emirates, Korean Air, Tiger Airways, Singapore Airlines, Japan Airlines, Eva Airways, Malaysia Airlines và Cambodia Angkor Air không báo cáo Cục HKVN về sự cố va chạm chim, động vật hoang dã , vật nuôi với máy bay theo quy định; chưa báo cáo Cục HKVN bổ sung thông tin về chi phí khai thác và hư hại động cơ do sự cố chim, động vật hoang dã, vật nuôi.
Eva Airways, China Southem, Thai AirAsia, Air Asia và Cambodia Angkor Air không thông báo ngay cho cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay thông tin về việc thay đổi kế hoạch bay, các chuyến bay bị chậm, bị hủy so với kế hoạch bay để phối hợp điều hành hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.
Trưởng đại diện các hãng hàng không nêu trên không thông tin, tuyên truyền cho hành khách biết các quy định về mức đền bù trong trường hợp bị mất mát, thất lạc hành lý và hàng hóa, bưu gửi vận chuyển theo quy định. Nhiều HHK không công bố và thực hiện việc mở, đóng quầy theo quy định, không cung cấp tình trạng chuyến bay bị chậm cho Cảng vụ hàng không miền Nam.
Theo thanh tra Cục HKVN, nguyên nhân của các tồn tại hạn chế là do trưởng đại diện của các HHK là nhân sự nước ngoài có sự thay đổi theo nhiệm kỳ công tác, ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật. Số lượng nhân viên một số HHK nước ngoài tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phục vụ hành khách, thiếu nhân viên chuyên trách về lĩnh vực khai thác tàu bay, an ninh hàng không.
Các phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Vận tải hàng không, An ninh hàng không, Cảng vụ hàng không miền Nam chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng đối với các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Kết luận thanh tra của Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không nước ngoài chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Cũng tại kết luận thanh tra, có một số ý kiến về việc đề xuất nghiên cứu tăng thời gian đóng quầy đối với chuyến bay quốc tế sử dụng máy bay thân rộng từ 300 chỗ trở lên là 50 phút trước giờ cất cánh dự kiến theo lịch bay căn cứ. Trường hợp chuyến bay bị chậm phải lùi thời gian đóng quầy tương ứng với giờ cất cánh mới (chỉ áp dụng đối với giờ cất cánh mới trên lịch bay căn cứ) hoặc mở quầy theo giờ cất cánh.
Đọc bài gốc tại đây.