Nội dung chính
Trong những năm gần đây, Bắc Phi đã trở thành bối cảnh của một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai quốc gia láng giềng là Algeria và Morocco. Cả hai quốc gia đều đang đầu tư đáng kể vào việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình.
Chạy đua vũ trang?
Năm 2022, Algeria đã chi khoảng 9,1 tỷ đô la cho quân đội, nhiều hơn đáng kể so với 5 tỷ đô la mà Morocco đầu tư cho cùng mục đích. Theo truyền thống, Algeria dựa vào công nghệ quân sự từ Nga, trong khi Morocco tìm kiếm sự hợp tác với phương Tây và Israel.

Các báo cáo cho thấy Algeria đang tiếp tục hiện đại hóa quân đội, với kế hoạch mua máy bay chiến đấu Su-57 từ Nga. Đồng thời, Morocco đang tập trung vào công nghệ tiên tiến của Mỹ, chẳng hạn như F-35, khi quốc gia này cố gắng trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Phi và thế giới Ả Rập sở hữu loại máy bay đặc biệt này.
Marocco cũng đang hiện đại hóa các máy bay phản lực F-16C/D hiện có, nâng cấp chúng lên phiên bản F-16V, có công nghệ quản lý chiến đấu và radar mới nhất.
Ngoài viện trợ quân sự, Israel đã xác nhận rằng họ sẽ hỗ trợ Morocco trong nỗ lực bảo đảm F-35 như một phần của Hiệp định Abraham. Các thỏa thuận này, nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập, bao gồm các lợi ích chiến lược thương mại và quân sự có lợi cho cả hai bên.
UAE cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một phần nguồn tài trợ cho thỏa thuận này, làm tăng thêm yếu tố phức tạp cho tình hình địa chính trị của khu vực.
Động thái của các thỏa thuận này, cũng như áp lực ngày càng tăng trong việc sở hữu các công nghệ quân sự tiên tiến, làm nổi bật sự cạnh tranh vũ khí giữa Algeria và Morocco. Những động thái này không chỉ thay đổi cán cân quyền lực quân sự mà còn tác động đến quan hệ chính trị và chiến lược ở Bắc Phi.

F-35 và Su-57
Sự so sánh giữa máy bay F-35 và Su-57 thường thu hút sự chú ý, vì cả hai đều thuộc thế hệ máy bay chiến đấu mới. Cả hai loại máy bay đều sở hữu công nghệ mới nhất và được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm không chiến, tấn công mục tiêu mặt đất và trinh sát, nhưng vẫn có những sự khác biệt trong cách tiếp cận phát triển và công nghệ trên từng loại máy bay.
Một trong những điểm mạnh chính của F-35 là tính linh hoạt và chuẩn hóa. Máy bay được thiết kế để thực hiện nhiều vai trò khác nhau từ không chiến đến tấn công mặt đất và thu thập thông tin tình báo. F-35 được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, bao gồm radar và cảm biến, giúp máy bay có lợi thế đáng kể trong việc phát hiện và xử lý dữ liệu. Khả năng tàng hình của F-35 cực kỳ tiên tiến, khiến nó rất khó bị radar phát hiện.
Trong khi đó, Su-57 có thế mạnh về khả năng cơ động và thiết kế khí động học. Su-57 được trang bị động cơ mạnh hơn cho phép thực hiện các động tác phức tạp và đạt tốc độ cao, mang lại lợi thế chiến thuật trong các cuộc không chiến trực tiếp. Su-57 sử dụng công nghệ tàng hình, mặc dù không tiên tiến bằng F-35, nhưng vẫn có thể tránh được sự phát hiện của các hệ thống radar cũ.
Ngoài ra, máy bay chiến đấu của Nga được thiết kế tập trung mạnh vào khả năng chiến đấu trên không và duy trì khả năng cơ động cao ở tốc độ cao, giúp máy bay có khả năng cạnh tranh khi đối đầu trực tiếp với các máy bay chiến đấu khác.

Ưu điểm quan trọng nhất của F-35 so với Su-57 là khả năng tích hợp vào các hệ thống phòng thủ của phương Tây và mạng lưới cảm biến mở rộng. Điều này mang lại cho nó một lợi thế chiến lược đáng kể, vì F-35 có thể hoạt động như một phần của mạng lưới tác chiến lớn hơn.
Về điểm yếu của F-35, chi phí là một yếu tố quan trọng. Mặc dù điều này không làm cho nó kém hiệu quả, nhưng chi phí mua sắm và bảo dưỡng của F-35 cao hơn nhiều so với Su-57. Su-57 có lợi thế là chi phí sản xuất và bảo dưỡng thấp hơn, điều này rất quan trọng đối với các quốc gia có ngân sách nhỏ hơn.
Mặc dù Su-57 rẻ hơn, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn về độ tin cậy và tình trạng hoạt động của nó, vì chương trình đang trong giai đoạn triển khai ban đầu và chưa đạt đến trình độ sản xuất hàng loạt như F-35.
Ngoài ra, Su-57 có thể có khả năng tích hợp hạn chế với các mạng lưới và công nghệ cảm biến hiện có của các quốc gia khác, làm giảm tính linh hoạt của nó trong bối cảnh toàn cầu.
Mặc dù Nga đã đầu tư mạnh vào nền tảng này, nhưng vẫn cần giải quyết các vấn đề liên quan đến mạng lưới bảo trì và hậu cần, vốn có thể rất quan trọng đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu trên trường quốc tế.

Vai trò của F-35 và Su-57
Đối với Algeria, Su-57 có thể đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống phòng không và các hoạt động tác chiến trước các cuộc xung đột tiềm tàng ở khu vực. Su-57 có khả năng xâm nhập không phận được bảo vệ chặt chẽ, đồng thời có khả năng cơ động chiến đấu đặc biệt trong các trận không chiến hiện đại.
Nhờ hệ thống radar tiên tiến cùng khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên không và trên mặt đất, Su-57 sẽ có thể nâng cao hiệu quả hoạt động không quân của Algeria và đảm bảo ưu thế trên không cho nước này.
Ngoài ra, Algeria có thể sử dụng Su-57 để tăng cường sự hiện diện chiến lược của mình tại châu Phi, thể hiện sự sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ quốc tế. Điều này có thể bao gồm các mối đe dọa tiềm tàng từ các nước láng giềng như Morocco hoặc Libya, những nước cũng đang hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình.
Ngược lại, F-35 cũng sẽ mang lại cho Marocco nhiều lợi thế. Máy bay chiến đấu này lý tưởng cho việc thống trị trên không và cung cấp khả năng tấn công để hỗ trợ Marocco trong các cuộc xung đột khu vực, cũng như để triển khai sức mạnh chiến lược ra ngoài lãnh thổ của mình.
F-35 sẽ giúp Marocco tăng khả năng tương tác với các đồng minh NATO khác hoặc tham gia vào các liên minh quốc tế. Khả năng tích hợp vào mạng lưới các nền tảng trên không và trên mặt đất, khiến F-35 trở nên đặc biệt có giá trị trong các hoạt động tấn công chính xác và thích ứng nhanh với các điều kiện thay đổi trên chiến trường.
Quang Hưng
Đọc bài gốc tại đây.