Cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ nhằm cải thiện mối quan hệ song phương và giải quyết xung đột Ukraine đã bắt đầu tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi, Reuters ngày 18/2 đưa tin.
Phái đoàn Nga do Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov dẫn đầu và bao gồm Cố vấn Tổng thống Nga Yury Ushakov cùng Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga. Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu và có sự tham gia của Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cùng Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff.
Cả hai bên cho biết, hoạt động đàm phán lần này là bước chuẩn bị cho một cuộc gặp tương lai giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước vòng đàm phán chính, đại diện của 2 nước đã có các cuộc liên lạc không chính thức, ông Dmitriev tiết lộ với báo giới.
Nỗ lực của ông Trump
Các quan chức Mỹ đã mô tả cuộc tiếp xúc với Moscow hôm 18/2 là một nỗ lực dũng cảm của Washington nhằm kéo Nga khỏi Trung Quốc, hàn gắn mối quan hệ với một đối thủ có vũ khí hạt nhân và chấm dứt một cuộc chiến đã khiến hơn 1 triệu người thương vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lạc quan về tình hình. Ngay từ trước khi Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Ngoại trưởng Marco Rubio lên đường tới Riyadh, ông Trump đã nghĩ đến khả năng nỗ lực ngoại giao của Mỹ dẫn tới một hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Nga tại Ả Rập Saudi trong “tương lai không xa”.
Ngày 17/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nói với các phóng viên rằng: “Như chúng ta đã thấy với Tổng thống Trump và chính quyền hiện thời, những việc mà bình thường có thể phải mất 6 tháng hoặc 1-2 năm đang diễn ra chỉ trong vài tuần”.
Tuy nhiên, việc chính quyền Mỹ gấp rút tiếp cận Nga đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng khi Washington bỏ qua các hình thức thảo luận trước về chính sách của Mỹ đối với Moscow, vốn là một phần cốt yếu trong liên minh phương Tây.
Theo Wall Street Journal (WSJ), đàm phán Riyadh lại được châu Âu xem là một dấu hiệu khác cho thấy chính sách đối ngoại đã duy trì nhiều thập kỷ của phương Tây đang trải qua một quá trình thay đổi.
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã bị tổn thương bởi bài phát biểu gay gắt của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance (ông Vance cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu bỏ ngoài tai nguyện vọng của cử tri), giờ lại thêm phần căng thẳng khi các đồng minh của Mỹ đối diện với 1 thực tế: Đàm phán Riyadh đã diễn ra mà không có sự góp mặt của họ hay Ukraine.
“Điều mà ông Trump và chính quyền nên làm là hoạch định chi tiết với Ukraine và châu Âu về cách thức thúc đẩy hòa bình rồi sau đó mới trao đổi với người Nga”, Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO nhận định.
Vì sao châu Âu bị bỏ qua?
Hiện tại, các quan chức khác trong chính quyền Trump đang cố gắng xoa dịu đồng minh bằng cách gọi cuộc gặp tại Riyadh là cơ hội để khám phá ý định của Nga, chứ không phải là khởi đầu tiến trình đàm phán chi tiết về tương lai của Ukraine.
Họ khẳng định, các quan chức Ukraine sẽ có mặt tại bàn đàm phán nếu các cuộc thương thảo chính thức về xung đột ở Ukraine diễn ra, mặc dù không có sự hiện diện của các đại diện từ châu Âu.

Ông Keith Kellogg – đặc phái viên về xung đột Ukraine của Mỹ. Ảnh: Reuters
Giải thích về cơ cấu đàm phán nói trên, ông Keith Kellogg – đặc phái viên về xung đột Ukraine do ông Trump lựa chọn cho rằng, cần phải có một cách tiếp cận mới bởi thỏa thuận cũ đã kéo dài cả thập kỷ (có sự tham gia của châu Âu nhưng không có Mỹ) đã không tạo dựng được nền hòa bình bền vững.
Ông Kellogg đang đề cập đến Hiệp định Minsk-2 năm 2015, được Đức và Pháp đàm phán với Ukraine và Nga.
“Có rất nhiều người tham gia bàn đàm phán, nhưng nó không thành công”, ông Kellogg nói tại một hội nghị an ninh ở châu Âu hồi cuối tuần trước.
WSJ đánh giá rằng, hiện tại con lắc đã nghiêng về phía hướng tiếp cận mới, trong đó phía tham gia trực tiếp là Mỹ, chứ không phải các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền Trump khẳng định, các mối lo ngại của châu Âu vẫn sẽ được xem xét.
Về phần mình, Nga đã thông báo trước mục tiêu khi tới bàn đàm phán với Mỹ. Đó là rút lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và mở rộng quan hệ ngoại giao trong khi tiếp tục nắm giữ những gì đã đạt được ở Ukraine. Trước khi lên đường tới Riyadh, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã tuyên bố “không nghĩ tới” chuyện nhượng bộ lãnh thổ cho Ukraine và không cần các nước châu Âu phải tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai.
Đọc bài gốc tại đây.