Ông Putin nhận tin thắng lợi ngay trước thềm đàm phán
Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin, trong ngày 18/2, phái đoàn Nga và Mỹ đã có mặt tại Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia để tiến hành cuộc đàm phán quan trọng về cuộc xung đột ở Ukraine. Đây cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) tại Ukraine tháng 2/2022.
Theo Điện Kremlin, cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc khôi phục lại quan hệ Nga-Mỹ, chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh song phương, cũng như tìm kiếm khả năng tổ chức các cuộc đối thoại liên quan tới việc giải quyết xung đột ở Ukraine.

Ông Putin đã nhận được tin thắng lợi ngay trước thềm cuộc đàm phán với Mỹ tại Saudi Arabia. Ảnh: BBC
Đáng lưu ý, theo tờ RG (Nga), chỉ 1 ngày trước khi sự kiện này diễn ra (17/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được báo cáo về thắng lợi lớn tại tỉnh Kursk của Nga.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với khu định cư Sverdlikovo (tỉnh Kursk), một trong những tuyến đường tiếp tế chủ lực của Ukraine cho lực lượng đóng trên lãnh thổ Nga.
Việc giành được quyền kiểm soát khu định cư này sẽ mở đường cho lực lượng Nga tới 2 khu định cư khác tại Kursk. Sau khi giành lại được 2 khu định cư này, trận chiến quyết định “giải phóng hoàn toàn Kursk” sẽ bắt đầu.
Một điều đặc biệt nữa là Sverdlikovo chỉ nằm cách thị trấn Sudzha – nơi quân đội Ukraine chiếm được quyền kiểm soát sau khi phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga hồi tháng 8/2024, và được xem là thành trì của quân Kiev tại đây.
Do đó, với việc giành quyền kiểm soát Sverdlikovo, lực lượng Nga cũng đồng thời chặt đứt tuyến tiếp tế của quân Ukraine đóng tại Sudzha và có thể tiến tới phong tỏa toàn bộ tuyến cao tốc Sudzha-Sumy trong thời gian tới.

Chiến thắng của quân đội Nga ở Kursk sẽ mở đường cho trận đánh quyết định. Ảnh: FT
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 11/2 tuyên bố, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thành công đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán thì ông sẽ “đề nghị với Tổng thống Putin về một cuộc trao đổi lãnh thổ, trong đó Ukraine sẽ trả lại các khu vực chiếm đóng ở Kursk cho Moscow”.
Tuy nhiên, với những thắng lợi liên tiếp của Nga tại Kursk, các chuyên gia cho rằng đề nghị của ông Zelensky khó có thể mang thêm lợi thế nào cho Ukraine trên bàn đàm phán.
Tờ Lenta (Nga) ngày 17/2 dẫn một đại diện của lực lượng vũ trang Nga cho biết, quân đội Nga “không mấy hào hứng” với các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine. Theo ông, nhiều binh sĩ Nga không muốn có bất cứ sự trao đổi lãnh thổ nào với đối phương , và quyết tâm “phá hủy tận gốc” lực lượng vũ trang Ukraine.
Mỹ có thể đồng ý rút 64.000 quân khỏi Baltic và Tây Âu?
Đề cập tới tiến trình đàm phán Nga-Mỹ về vấn đề Ukraine, tờ Financial Times (Anh) ngày 17/2 dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết, ông Trump có khả năng sẽ đồng ý rút quân đội Mỹ ra khỏi vùng Baltic và Tây Âu do ông Putin từ lâu luôn muốn quân đội NATO rút khỏi toàn bộ vùng không gian Liên Xô cũ.
Theo các quan chức này, ông Trump có ý định đạt thỏa thuận về Ukraine với ông Putin trong khi “bỏ qua” ông Zelensky và châu Âu. Điều này có thể dẫn đến hậu quả lớn cho Ukraine và hệ lụy đối với phần còn lại của châu Âu cũng rất đáng báo động.
Cùng đưa tin về vấn đề này, tờ The Sun (Anh) cho biết, hiện Mỹ triển khai khoảng 600 quân đồn trú ở Estonia và khoảng 1.000 quân ở Lithuania.
Tại Latvia, thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2022 cho biết, cũng có khoảng 600 quân Mỹ đóng tại nước này.
Còn ở Tây Âu, quân Mỹ hiện được phân bổ như sau:
Đức: Khoảng 38.000 quân (đây là nơi đặt căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Tây Âu)
Ý: Khoảng 12.000 quân
Anh: Khoảng 9.000 quân
Tây Ban Nha: Khoảng 3.000 quân
Như vậy, quyết định mà các quan chức châu Âu dự đoán ông Trump sẽ đưa ra có thể ảnh hưởng tới 64.200 binh sĩ Mỹ ở Baltic và Tây Âu.

Các quan chức châu Âu dự đoán ông Trump sẽ đồng ý với Nga, rút quân khỏi Baltic và Tây Âu. Ảnh: National Guard
Việc rút quân sẽ tạo ra khoảng trống lớn trong hệ thống phòng thủ của NATO, khiến các nước này dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa tiềm tàng.
NATO hiện dựa vào sự hiện diện quân sự của Mỹ để duy trì sức mạnh răn đe. Nếu Mỹ rút quân, các nước châu Âu sẽ phải tăng cường ngân sách quốc phòng và khả năng tự vệ, nhưng điều này cũng không thể bù đắp ngay lập tức cho sự vắng mặt của quân Mỹ.
Song bên cạnh đó, theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cũng có những ý kiến cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi châu Âu nên được hoan nghênh vì châu Âu hoàn toàn có thể và nên chi nhiều hơn cho quốc phòng của chính mình.
Tờ The Hill dẫn lời tướng quân đội Mỹ về hưu Jack Keane nhận định, ông Putin khó lòng từ bỏ mục tiêu dài hạn đối với Ukraine, ngay cả khi chấp nhận thỏa thuận hòa bình trong thời gian ông Trump tại nhiệm.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16/2 tuyên bố, Nga sẽ tính đến sự thiếu hụt chủ quyền của Ukraine trong các cuộc đàm phán. Ông lưu ý thêm rằng, những yếu tố này phải được ghi nhớ mỗi khi thảo luận vấn đề về Ukraine, bởi các thỏa thuận trước đây, ví dụ như thỏa thuận Istanbul năm 2022, đã không được thực hiện.
Ông Peskov nhấn mạnh rằng, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ khó có thể tin vào các thỏa thuận trong tương lai.
Đọc bài gốc tại đây.