Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin, các quan chức Campuchia cho biết hôm 31/1 rằng nỗ lực rà phá bom mìn chưa nổ kéo dài nhiều thập kỷ của Campuchia đã phải tạm dừng một phần sau khi Mỹ đột ngột dừng tài trợ, đồng thời kêu gọi Washington đảo ngược quyết định này.
Tổng giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia (CMAC) Heng Ratana cho biết các dự án rà phá bom mìn do Mỹ tài trợ tại 8 tỉnh của Campuchia – gồm Ratanakiri, Mondulkiri, Stung Treng, Kratie, Tboung Khmum, Kampong Cham, Prey Veng và Svay Rieng – đã bị đình chỉ trong 85 ngày kể từ ngày 25/1.

Việc Mỹ đóng băng tài trợ làm gián đoạn nỗ lực rà phá bom mìn chiến tranh tại Campuchia. Ảnh: UNDP
Mỹ tài trợ 10 triệu USD/năm để rà phá bom mìn ở Campuchia
Theo Đại học Yale (Mỹ), từ năm 1965 đến năm 1973, quân đội Mỹ đã thả hơn 2,75 triệu tấn vũ khí trong 230.516 phi vụ xuống 113.716 địa điểm ở Campuchia.
Chiến dịch quốc tế cấm mìn (ICBL) và Liên minh Bom, đạn chùm (CMC) nói với đài TRT World (Thổ Nhĩ Kỳ) rằng, quân đội Mỹ đã ném bom hàng chục quốc gia kể từ Thế chiến thứ II nhưng cũng dẫn đầu trong các nỗ lực rà phá bom mìn toàn cầu.
Ví dụ, từ năm 2019 đến năm 2023, tổng số tiền viện trợ của Washington cho chương trình rà phá bom mìn ở các nước là 1,2 tỷ USD, chiếm 37% tổng số tiền viện trợ quốc tế trong giai đoạn 5 năm. Chỉ riêng năm 2023, Mỹ đã cung cấp 309,8 triệu USD, chiếm 39% tổng số tiền viện trợ quốc tế.
Hiện tại, Mỹ đang cung cấp viện trợ cho hơn 30 quốc gia bị ảnh hưởng bởi bom mìn và ERW (vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh), bao gồm các hoạt động như rà phá bom mìn, giáo dục về rủi ro vật liệu nổ, phá hủy kho dự trữ vũ khí và hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Tuy nhiên, mới đây, đài CNN (Mỹ) đưa tin, vào ngày 24/1, tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã quyết định đóng băng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ trên toàn thế giới ngay lập tức, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh hành pháp hôm 20/1 tạm dừng các khoản viện trợ đó trong 90 ngày, bao gồm cả việc đình chỉ các chương trình rà phá bom mìn trên toàn thế giới.
“Điều này ảnh hưởng đến hoạt động rà phá bom mìn của chúng tôi”, Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan Hành động Bom mìn và Hỗ trợ Nạn nhân Bom mìn Campuchia (CMAA) Ly Thuch nói với AFP.
Ông Thuch cho biết, Mỹ là “đối tác chính” và đã cung cấp khoảng 10 triệu USD/năm để tài trợ cho hoạt động rà phá bom mìn ở Campuchia.
“Quỹ tài trợ của Mỹ liên quan đến việc triển khai hơn 1.000 nhân viên và người rà phá bom mìn”, ông nói.
Mặc dù sự hỗ trợ từ các quốc gia khác sẽ cho phép Campuchia tiếp tục triển khai một phần hoạt động, “một số người rà phá bom mìn sẽ phải dừng công việc do không đủ nguồn lực”, ông Thuch cho biết, ước tính 93 đội rà phá bom mìn sẽ bị ảnh hưởng.
Phó Chủ tịch thứ nhất CMAA cũng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh đình chỉ viện trợ vì “vẫn còn rất nhiều bãi mìn trên đất Campuchia”.

Ước tính có khoảng 4 đến 6 triệu quả mìn và các loại đạn dược khác còn sót lại tại Campuchia. Ảnh: CMAC
Mục tiêu không còn bom mìn vào năm 2025 không thể đạt được
Theo AFP, trong thế kỷ 20, Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng ra lệnh tiến hành chiến dịch ném bom bí mật trên các vùng lãnh thổ rộng lớn của Lào và Campuchia.
Đến năm 1998, Campuchia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bom mìn và ERW. Ước tính có khoảng 4 đến 6 triệu quả mìn và các loại đạn dược khác còn sót lại trên đất nước này.
Báo cáo của CMAA cho thấy từ năm 1979 đến năm 2024, các vụ nổ mìn và vật liệu nổ đã cướp đi sinh mạng của 19.834 người và làm 45.252 người khác bị thương.
Theo AFP, vào tháng 1/2025, một người dân làng Campuchia đã thiệt mạng trong một vụ nổ mìn trong trang trại của mình và hai người rà phá bom mìn đã thiệt mạng khi cố gắng gỡ một quả mìn chống tăng đã tồn tại hàng thập kỷ trên một cánh đồng lúa.
Hiện tại, hơn 1.600 km2 đất bị ô nhiễm do bom mìn vẫn cần được rà phá ở Campuchia.
Mặc dù chính phủ Campuchia ban đầu đặt mục tiêu không còn bom mìn vào năm nay, nhưng ông Ly Thuch cho biết nước này không thể đạt được mục tiêu đó vì những thách thức về tài chính và các bãi mìn mới được tìm thấy dọc biên giới với Thái Lan.
Đọc bài gốc tại đây.